Việc khó cần quyết tâm lớn!
(ĐCSVN) - Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp nên đòi hỏi quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt.
Sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp nên việc thực hiện dĩ nhiên không dễ dàng.
Ngày 13/12, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã chia sẻ, đến điểm này 56/56 địa phương đã gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để cho ý kiến, số còn lại sau khi rà soát không nằm trong diện phải sắp xếp cấp huyện, xã. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, "tâm lý và thực tế các địa phương khi triển khai không thực sự quyết liệt".
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng) |
Khi tổng hợp các phương án của các địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận thấy, đối với 56/56 địa phương, hiện chỉ 50% địa phương đảm bảo được việc sắp xếp. Còn lại đều căn cứ theo 4 tiêu chí đặc thù để đưa vào cơ chế đặc thù để không sắp xếp.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Bộ Nội vụ soạn thông báo gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện đúng Kết luận 48, Nghị quyết 35, Nghị quyết 117, đảm bảo như yêu cầu đặt ra”.
Cần khẳng định, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm địa bàn; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý Nhà nước.
Sắp xếp các đơn vị hành chính cũng tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Thực tế, sắp xếp đơn vị hành chính tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chính vì vậy, đây là việc khó, đòi hỏi quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị.
Cho nên, hơn lúc nào hết, cần tập trung tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, trong các tầng lớp nhân dân để quyết tâm tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cần thật sự quyết tâm, quyết liệt, phát huy vai trò, trách nhiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc sắp xếp đảm bảo đồng bộ, toàn diện, thận trọng, cụ thể, tạo sự đồng thuận, thống nhất, bám sát các tiêu chí, điều kiện đặc thù để đảm bảo việc sắp xếp thỏa mãn được các yêu cầu thực tiễn đặt ra./.