Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vỉa hè Hà Nội bao giờ mới hết bị lấn chiếm?

Thứ Ba, 28/02/2017 14:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm làm nơi để xe, bán hàng đang diễn ra tràn lan trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, để xe hoặc trông giữ xe lâu nay vẫn diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội đã gây bức xúc cho người dân Thủ đô và du khách. Do không có vỉa hè để đi lại, nhiều người đi bộ đã phải sử dụng lòng đường làm nơi di chuyển, hệ quả là đã xảy ra không ít những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc liên quan tới người đi bộ. Trong những năm gần đây, chính quyền TP Hà Nội có nhiều nỗ lực trong việc xử lý những vi phạm liên quan tới việc lấn chiếm vỉa hè, tuy nhiên, dường như đây là việc khó xử lý triệt để!?

Chị Trần Tuyết Nhung (Hà Nội) chia sẻ: “Dường như vỉa hè tại khu vực phố cổ không còn tồn tại, tôi thường xuyên phải đi xuống lòng đường, trong khi mật độ xe cộ tại các tuyến phố này khá đông đúc. Ngoài những chiếc xe máy để trên vỉa hè, phần còn lại người ta bày bán hàng hóa, có nơi họ còn bày cả bàn ghế ra cho khách tới ăn quà, uống nước, nếu người đi bộ cố gắng đi qua những chỗ như thế này thậm chí còn bị chủ cửa hàng tỏ thái độ khó chịu”.

Trên thực tế, với đặc thù đô thị như tại TP Hà Nội, khi mà người dân mưu sinh phải “bám” mặt đường để buôn bán thì một tấc đất tại mặt đường cũng rất đáng quý, đôi khi chỉ với vài mét vuông vỉa hè người ta đã có một sạp hàng để kinh doanh, buôn bán đủ thứ mặt hàng. Chính vì lẽ đó, việc xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những việc khó…

Ông Đào Quang Tâm, Phó Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho biết, với đặc thù địa bàn là một quận trung tâm của TP Hà Nội, áp lực về vấn đề giao thông và trật tự đô thị là một trong những vấn đề luôn được chính quyền Quận quan tâm. Tuy nhiên, với đặc thù kinh tế liên quan tới kinh doanh dịch vụ và du lịch là chính, ngoài ra, địa bàn có đông dân cư sinh sống, hệ thống giao thông tĩnh hầu như không đáp ứng nổi nhu cầu chỗ để xe của người dân cho nên việc giải quyết tình trạng dừng, đỗ, để xe của người dân trên vỉa hè, đường phố còn nhiều khó khăn.

Ông Tâm cho biết, từ ngày 6/1/2017, lực lượng chức năng Quận đã tiến hành ra quân xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn, tập trung giải quyết các hàng ăn uống, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Theo đó, công tác kiểm tra xử lý từ ngày 5 - 15/2/2017 phát hiện tổng số 237 trường hợp vi phạm, phạt hành chính tổng cộng hơn 150 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng (TTCC) là 85 trường hợp, vi phạm về trật  tự giao thông (TTG)T là 152 trường hợp. Tuy nhiên, chỉ sau dịp Tết Nguyên Đán, tình trạng người dân lấn chiếm kinh doanh trên hè đường phố lại tiếp tục tái diễn…

Ông Tâm cũng cho biết, trong buổi sáng ngày 27/2, các lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm do Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long làm trưởng đoàn đã ra quân xử lý các trường hợp vi phạm về TTĐT, TTCC trên địa bàn. Trong những ngày sắp tới, lực lượng chức năng của 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục thực hiện các công tác về đảm bảo TTĐT, TTCC và TTGT trên địa bàn Quận.

Mới đây, những thông tin về lực lượng chức năng Quận 1, TP Hồ Chí Minh ra quân lập lại trật tự đô thị, xử lý kiên quyết, triệt để những vi phạm lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán đang được người dân ủng hộ. Hà Nội trong thời gian tới liệu có “tiếp bước” thành phố Hồ Chí Minh trong công tác lập lại trật tự đô thị, nhằm trả lại vỉa hè cho người đi bộ hay không, đông đảo người dân Hà Nội đang mong chờ sự vào cuộc của chính quyền và các cơ quan chức năng thành phố.

 Khu vực phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có biển đề Tuyến phố văn minh đô thị,
tuy nhiên người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường.

Phố Hàng Mã, người dân bày hàng hóa tràn hết vỉa hè,
 người dân và khách 
du lịch phải đi dưới lòng đường.

Một quán cà phê trên phố Nguyễn Hữu Huân, không chỉ tận dụng vỉa hè làm nơi để xe,
cửa hàng tại đây còn sử dụng cả phần lòng đường để làm nơi để xe cho khách hàng.

 Vỉa hè trên phố Cầu Gỗ, Hàng Dầu được các cửa hàng này trưng dụng toàn bộ để làm nơi bán hàng.
Dọc phố Phủ Doãn, các bãi giữ xe đều chiếm trọn phần vỉa hè, người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường. Đây là khu vực có mật độ phương tiện qua lại rất đông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Bài, ảnh: Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN