Vì Văn Sang: Người uy tín say mê giữ gìn di sản văn hóa dân tộc Khơ Mú
(ĐCSVN) - Thiết thực học tập gương Bác Hồ thông qua hoạt động bảo tồn văn hóa của dân tộc Khơ Mú trên quê hương mình, Cựu chiến binh, nghệ nhân Vì Văn Sang thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái người có 79 năm tuổi đời, 54 năm tuổi đảng hiện là một già làng uy tín góp phần giúp Đảng ủy, chính quyền địa phương vận động người dân hiện thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Là một người Khơ Mú đầu tiên được đi học chữ của xã Nghĩa Sơn rồi trở thành bộ đội Cụ Hồ, xã đội trưởng Vì Văn Sang của những năm 1970 thế kỷ trước hiểu được tầm quan trọng của việc “định canh định cư” đối với gìn giữ bản sắc dân tộc. Song, thời gian đó, cộng đồng Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn và của huyện Văn Chấn còn có nhiều tư duy, định kiến lạc hậu. Với quyết tâm từ bỏ tư duy lạc hậu, định kiến cũ, xã đội trưởng Vì Văn Sang đã nhiều lần lặn lội khắp núi rừng Hoàng Liên Sơn gom góp đồng bào.
Ông kể: “Tôi từng nói với đồng bào nhiều lần rằng bản thân tôi được đi nhiều nơi, thấy tận mắt vùng nào người dân quần tụ bên nhau thì vùng đó phát triển. Chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với việc định canh, định cư là rất đúng đắn và đồng bào ta nhất quyết phải làm được”.
Một buổi sinh hoạt của đội văn nghệ dân tộc Khơ Mú Nghĩa Sơn. |
Trong căn nhà khang trang của ông Sang, bên cạnh những vật dụng gia đình, căn nhà còn có thêm các dụng cụ âm nhạc lạ mắt được treo ở các cột nhà. Ông Vì Văn Sang tâm sự: “Ngày nay cuộc sống vật chất của người dân đã đầy đủ, thì ta phải hướng tới nâng cao đời sống tinh thần. Đảng đã dạy ta phải biết giữ gìn và phát huy bản sắc. Người Khơ Mú càng nên phải giữ, tránh hòa tan vào văn hóa ngoại lai”.
Từ suy nghĩ đó mà người đảng viên 54 năm tuổi đảng này đã tự học, tự trau dồi kiến thức để trở thành nghệ nhân, có thể thực hành các nghi lễ, phong tục, tập quán. Nhiều lễ tưởng như đã thất truyền như: Lễ hội cầu mưa, cầu mùa, đón mẹ lúa. Bên cạnh đó là việc chế tác nhạc cụ, phục dựng các điệu múa dân tộc, sưu tầm những làn điệu hát tơm, kơ le, cưn trong hoạt động giao duyên, tìm bạn tình, thể hiện lòng mến khách đến chơi nhà, mừng đám cưới, mừng xuân, mừng nhà mới...
Nghệ nhân Vì Văn Sang bày tỏ: Để giữ gìn được truyền thống văn hóa, ngoài tâm huyết cũng rất cần sự chung tay, góp sức, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong xây dựng thiết chế văn hóa, tạo không gian để người dân thực hành văn hóa. Tôi mong rằng, Nậm Tộc nói riêng hay Nghĩa Sơn nói chung được hỗ trợ xây dựng một nhà văn hóa rộng rãi vừa để bảo quản, trưng bày tốt hơn những đạo cụ vật chất, vừa đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Khơ Mú; hay hỗ trợ kinh phí để chúng tôi có thể phục dựng các lễ, hội... để bản sắc truyền thống văn hóa của đồng bào Khơ Mú ngày càng được giữ gìn, phát triển và góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nghệ nhân Vì Văn Sang (bên phải) giới thiệu về những đạo cụ âm nhạc của đồng bào dân tộc Khơ Mú. |
Có thể nói, gần 20 năm miệt mài, ông Sang đã khôi phục gần như toàn bộ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú Nghĩa Sơn. Đồng thời, hiện nay ông Sang là người truyền lửa, khơi dòng chảy cho văn hóa Khơ Mú hòa vào dòng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Không chỉ giúp đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn thoát khỏi cuộc sống du canh du cư, xóa đói nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng bản làng no ấm mà nghệ nhân Vì Văn Sang còn có công sưu tầm, bảo tồn các loại nhạc cụ, các điệu múa dân gian như: lễ hội cầu mùa, cầu mưa, lễ mừng cơm mới… tạo dựng lại 10/13 loại nhạc cụ truyền thống, nhiều câu châm ngôn, ca dao tục ngữ của dân tộc Khơ Mú.
Năm 2015, ông Vì Văn Sang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và trở thành một trong 3 nghệ nhân Khơ Mú tiêu biểu của vùng Tây Bắc. Di sản văn hóa truyền thống là tài sản vô giá, là sợi dây thiêng liêng gắn kết cộng đồng và là cơ sở để người dân sáng tạo, hưởng thụ những giá trị văn hóa trong thời đại mới, tất cả đang tiếp tục được trao truyền qua các thế hệ nhờ tấm lòng trong sáng của người uy tín Vì Văn Sang./.