Vị tướng của lòng dân
(ĐCSVN) - Từ một thầy giáo dạy Lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một nhà quân sự thiên tài, tầm cao tư duy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Tài năng, trí tuệ, đức độ, nhân cách của Đại tướng mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ hai từ phải qua) theo dõi diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu) |
Nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất; vị tướng mưu lược, quyết đoán
Ông là vị tướng huyền thoại, bậc thầy về chiến lược và nghệ thuật quân sự; nhất là đường lối chiến tranh nhân dân. Những chiến dịch có tính chất quan trọng, quyết định luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén với tư duy quân sự đặc biệt, đề xuất và tổ chức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ; làm phá sản chiến tranh tổng lực của những đế quốc hùng mạnh ở thế kỷ 20. Kết tinh những bài học quý giá của lịch sử dân tộc và thế giới, đúc kết thực tiễn chiến đấu của quân đội ta. Ở những thời điểm bước ngoặt, Đại tướng đã quyết định những vấn đề chính xác: Tổ chức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đập tan âm mưu tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc (1947). Đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê (Chiến dịch Biên giới 1950). Phân tán chủ lực cơ động Pháp để tập trung tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Đông Xuân 1953 - 1954).
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng chỉ đạo xây dựng và bảo vệ tuyến vận tải chiến lược trên bộ, trên biển để chi viện cho miền Nam. Tham mưu mở chiến dịch đường 9 - Khe Sanh; ghìm lực lượng cơ động của địch ở Trị - Thiên, tạo điều kiện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968). Chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đánh bại tiến công đường không chiến lược của đế quốc Mỹ (1972); Điểm huyệt Buôn Ma Thuột (1975), buộc địch rút bỏ Tây Nguyên; chỉ đạo mở chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, quần đảo Trường Sa.
Tài thao lược ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nghệ thuật lừa địch, dụ địch, chủ động buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta. Điển hình là thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà theo ông, đó là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình” nhưng hoàn toàn đúng đắn, góp phần giảm thiểu hy sinh xương máu, làm nên chiến thắng kỳ diệu “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nắm vững thời cơ lịch sử với mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp tiến công mãnh liệt vào sào huyệt cuối cùng của địch, đánh chiếm Dinh Độc lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có tài cầm quân mà còn là nhà lý luận quân sự uyên thâm về học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: về vũ trang quần chúng cách mạng; xây dựng quân đội nhân dân; về khởi nghĩa vũ trang. Kiến trúc sư của đường lối chiến tranh nhân dân, trở thành nghệ thuật quân sự được xây dựng trên nền tảng “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”, được cả thế giới ngưỡng mộ. Giáo sư Piere Aselin - Đại học Hawai Pacific (Mỹ) nói: “…Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, sự tài tình của ông đã giúp Việt Nam chiến thắng quân xâm lược. Khi mà nguồn lực của phía quân Pháp rõ ràng lớn hơn nhiều so với lực lượng quân đội của ông Giáp…”
Đại tướng Tổng Tư lệnh, “Người Anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), nhân hậu - nghĩa tình
Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời những phẩm chất cao quý, mẫu mực về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; giản dị, khiêm tốn, khoan dung, nhân hậu, sống nghĩa tình; hết lòng thương yêu đồng bào, đồng chí. Tuyệt đối tin tưởng, thủy chung son sắc với Đảng, với nhân dân. Đại tướng từng nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó…”; nguyện làm theo lời Bác dặn: Làm cách mạng phải “dĩ công vi thượng”. Đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết; lấy đó làm phương châm hành động. Nhân dân kính trọng, tôn vinh gọi Đại tướng là “vị tướng của lòng dân”, “vị tướng của nhân dân” với cái tên trìu mến: “Tướng Giáp - Anh Văn”.
Ông được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên trong quân đội khi mới 37 tuổi. Khi trả lời một phóng viên phương Tây về tiêu chuẩn phong quân hàm này, Bác Hồ nói: “Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng”. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổ quốc, dân tộc và Đảng là trên hết. Không có gì cao quý và thiêng liêng hơn thế. Ông đã không ngừng học tập, rèn luyện để hội tụ đủ những đức tính: “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. Đại tướng rất nghiêm về kỷ luật, nhưng cũng rất bao dung, thân thiện. Đối với cấp dưới, đồng đội như anh em trong một gia đình cách mạng. Hết lòng thương yêu chiến sĩ; đau nỗi đau trước sự hy sinh, mất mát, thương vong. Tiếc từng giọt máu của bộ đội, nhân dân trong chiến tranh; quyết thắng kẻ thù nhưng thương vong thấp nhất. Một Tổng Tư lệnh tài năng nhưng rất nhân ái, bình dị, gần gũi, thân thiết. Bởi vậy, cán bộ, chiến sĩ quân đội suy tôn là “Người Anh cả” của QĐNDVN; xứng đáng là: “Tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy, tướng của các tướng và thầy của các bậc thầy quân sự”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự” mà ông còn là một vị tướng nhân văn, “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”, “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”. Đại tướng luôn coi trọng yếu tố chính trị, tinh thần, xây dựng đoàn kết, mối quan hệ “quân với dân như cá với nước”. Tháng 04/2004, trở lại thăm Điện Biên Phủ, gặp gỡ đồng bào, các cựu chiến binh năm xưa, Đại tướng xúc động nhắc lại câu chuyện mà ông khi vào chiến trường ác liệt (Long An - Đồng Tháp Mười) thăm gia đình một đồng chí đặc công, người chiến sĩ nước mắt lưng tròng, ôm chầm Đại tướng và nói: “Thưa Đại tướng, gặp nhau đây là quý lắm rồi” và 50 năm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ thì “gặp nhau đây là quý lắm rồi…”. Năm ấy Đại tướng tròn 94 tuổi: Nói chuyện với quân và dân Điện Biên, Đại tướng ân cần thăm hỏi, nhắc nhở “…Ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy nhiều đồi trọc quá…”, phải “…Xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, đẹp, dân no ấm, hạnh phúc, có cơm ăn áo mặc, trẻ lớn lên phải được học hành, phải chăm lo cho người già…”. Tấm lòng nhân ái của vị tướng nhân dân là suối nguồn cách mạng vô tận, để đồng bào các dân tộc Việt Nam kết đoàn vượt qua chông gai, thử thách, vững bước tiến lên hoàn thành thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. (Ảnh: Tư liệu) |
Người xây nền tảng QĐNDVN “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại”
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lao đóng góp to lớn trong việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân… gắn với xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Từ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ đã đánh thắng 2 trận đầu (Phay Khắt, Nà Ngần) rồi từng bước phát triển thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến đánh bại quân viễn chinh Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, với tư duy chiến lược sắc sảo, Đại tướng đã trực tiếp tổ chức Bộ Tư lệnh Miền, kết hợp thành lập quân giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ đội địa phương với việc đưa các sư đoàn chủ lực từ miền Bắc vào miền Nam; kiến nghị và tổ chức xây dựng các quân chủng: Phòng không - Không quân, Hải quân, Lục quân (bao gồm Bộ binh, Binh chủng Đặc công, Pháo binh, Thiết giáp, Công binh, Thông tin, Phòng hóa, Vận tải…); Xây dựng đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. Đặc biệt gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất và khẩn trương thành lập 4 quân đoàn chủ lực (1,2,3,4); cánh quân Đông Sài Gòn để nhân lên sức mạnh tổng hợp các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Thực hiện những chiến dịch - chiến lược tiêu diệt lượng lớn quân địch. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh khẳng định sự sáng tạo, chính xác, phù hợp yêu cầu thực tiễn chiến trường; sự phát triển của quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh. Đó chính là quan điểm “vừa vũ trang cho quần chúng cách mạng, vừa xây dựng QĐND”, phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân (dân quân tự vệ; du kích; bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực); là tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân.
Trên cơ sở nghiên cứu đối tượng tác chiến, nghệ thuật quân sự Việt Nam, thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với vũ khí, trang bị, hậu cần - kỹ thuật; Giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc lãnh đạo “Tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với QĐNDVN; Thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự”, “lấy chính trị làm gốc trong xây dựng QĐND”. Từ thực tiễn chiến tranh, đúc kết tư tưởng quân sự Việt Nam: Lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn,Đại tướng đã góp phần quan trọng khái quát nên những vấn đề cốt lõi trong xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; làm nòng cốt công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/08/1911 - 25/08/2024), mỗi người dân Việt Nam nói chung và mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói riêng luôn tưởng nhớ và dành sự kính trọng, biết ơn đối với một vị tướng tài năng và đức độ - Vị tướng sống mãi trong lòng dân và lịch sử dân tộc./.