Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công chậm?

Thứ Ba, 09/11/2021 20:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)– Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh các nguyên nhân đã tồn tại từ lâu, thì năm 2021 còn có một số lý do đặc thù khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có nguyên nhân do tác động của dịch COVID-19.

 Chiều ngày 9/11, tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm sau hai ngày thảo luận.

3 bài học sâu sắc 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 vừa qua với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời và quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng để chúng ta phục hồi kinh tế nhanh trong những tháng cuối của năm 2021 và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. 

Sau gần 1 tháng triển khai thực hiện nghị quyết, tình hình kinh tế - xã hội của tháng 10 đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, với nhiều điểm sáng và nhất là đã củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường mới. 

Tuy nhiên, từ công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội vừa qua đã cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu đã được nêu trong báo cáo đầy đủ, đặc biệt đã cho chúng ta thấy những điểm khiếm khuyết của chúng ta cần phải điều chỉnh kịp thời cho một tương lai để bảo đảm phát triển an toàn hơn và bền vững hơn như nhiều đại biểu đã nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: TH)

Trong đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh thêm 3 bài học sâu sắc như sau: 

Thứ nhất, cho thấy năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng đang còn thiếu và yếu, dẫn tới lúng túng trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, hoạt động kinh tế, việc làm, đời sống nhân dân. 

Thứ hai, cho chúng ta thấy là năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương làm đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ. 

Thứ ba, chúng ta thấy sức mạnh, vai trò của hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn. Theo đó, cần phải có sự kết hợp và hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. 

“Đây là 3 vấn đề chúng ta cần phải khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng lưu ý, trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại của nền kinh tế số ca nhiễm mới có thể tăng lên, nhất là tại một số địa phương có độ bao phủ vaccine đang còn thấp. Trong bối cảnh đó, các bộ, cơ quan, địa phương cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, kiên định và giữ vững lập trường quan điểm đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, không e ngại, hoang mang, lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh nhưng cũng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. 

Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Trước ý kiến một số đại biểu phản ánh về việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, báo cáo Chính phủ đã nêu rõ các nguyên nhân chậm giải ngân. Bên cạnh các nguyên nhân đã tồn tại từ lâu như là chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, điều chỉnh năng lực của Ban Quản lý, năng lực nhà thầu, v.v.. thì  năm 2021 còn có một số lý do đặc thù như sau: 

Năm nay chúng ta tổ chức Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự mới. Năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025 và cũng là năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022 mới thực hiện được. 

Bên cạnh đó, do tác động của dịch COVID-19 phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến tiến độ. Giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao. 

Liên quan đến sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đang hoàn thiện dự án luật để sửa đổi 10 luật, trong đó sẽ giải quyết tiếp tất cả những vấn đề đang còn vướng mắc trong Luật Đầu tư công để đẩy nhanh phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng./.

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN