Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vì sao dương tính COVID-19 kéo dài dù không còn triệu chứng?

Thứ Năm, 17/02/2022 21:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Báo nhận được câu hỏi của nhiều bạn đọc thắc mắc về các trường hợp mắc COVID-19 trên 20 ngày dù không còn triệu chứng nhưng vẫn có kết quả test PCR dương tính COVID-19. Vậy việc dương tính kéo dài như trên có nguy hiểm không?

Nồng độ virus COVID-19 trong cơ thể không tăng cao thì cũng không đáng lo ngại. Nếu nồng độ tăng cao sẽ gây nguy hiểm đến cơ thể. (Ảnh: CTV)

Theo thông báo của WHO, hội chứng COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19) là tình trạng bệnh nhân mặc dù đã hồi phục khỏi COVID-19 cấp tính nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài trên 4 tuần kể từ lúc khởi phát nhiễm trùng. Các triệu chứng này có thể đã có từ đợt bệnh cấp hoặc xuất hiện sau khi hồi phục.

Theo các chuyên gia, mất hơn 10 ngày để cơ thể đào thải virus nên F0 vẫn có khả năng nhận kết quả xét nghiệm dương tính sau khi đã khỏi bệnh. Bệnh nhân có thể dương tính với virus trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng (xét nghiệm PCR tìm kiếm các mảnh virus trong cơ thể) ngay cả khi khỏi bệnh, không còn triệu chứng. Bởi, xét nghiệm vẫn phát hiện các phần tử virus trong cơ thể, tuy nhiên, ít khả năng biết virus đang hoạt động hay người đó có thể lây nhiễm không.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia - cho biết: Trong quá trình tư vấn cho F0, bác sĩ khảo sát trên nhóm tư vấn ghi nhận có khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 gặp tình trạng dương tính kéo dài đến 3 tuần. Tùy thuộc tình trạng lâm sàng, nhiều người triệu chứng nhẹ, không triệu chứng nhưng vẫn dương tính COVID-19 kéo dài.

Điều quan trọng không phải là tình trạng dương tính COVID-19 kéo dài bao lâu, mà là nồng độ virus trong cơ thể thế nào. Mặc dù dương tính COVID-19 nhưng nồng độ thấp, không tăng lên cao thì cũng không đáng lo ngại. Nếu nồng độ nhiều, tốc độ nhân lên tăng cao sẽ gây nguy hiểm đến cơ thể.

Một số trường hợp cần chú ý theo dõi như những người có hệ miễn dịch suy giảm, có bệnh lý nền. Với đối tượng này có thể chủ động dùng thuốc kháng virus sớm, tránh tình trạng dương tính kéo dài làm suy giảm sức khỏe. Cơ thể luôn phải chống chọi với virus trong thời gian dài có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác của người bệnh.

Việc mắc COVID-19 kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bội phát cho người bệnh. Bên cạnh đó, những người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng có thể chủ quan gây lây lan dịch bệnh.

Để hạn chế tình trạng mắc COVID-19 kéo dài, người bệnh phải giữ tinh thần thoải mái, ăn uống thêm hoa quả, đặc biệt phải bổ sung dinh dưỡng để cơ thể tăng đề kháng, tập luyện thể thao nhẹ nhàng. Cơ thể khỏe mạnh mới có thể nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, người bệnh sau khi đã âm tính nên test lại sau 4 ngày để chắc chắn mình đã khỏi bệnh./. 

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN