Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vì sao chọn 6 tác phẩm Ngữ văn học bắt buộc?

Thứ Năm, 25/01/2018 16:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ Văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, lý do chỉ lựa chọn 6 tác phẩm bắt buộc ở cấp THPT đều dựa vào các tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản nói chung.

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Cụ thể 6 tác phẩm Ngữ văn bắt buộc gồm: Nam quốc sơn hà; Hịch tướng sĩ; Bình Ngô đại cáo; Truyện Kiều; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Tuyên ngôn Độc lập. Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, việc lựa chọn tác phẩm bắt buộc đều dựa vào các tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản nói chung, cụ thể: Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp/cấp học; giúp học sinh có hứng thú đọc văn; có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, tính nhân văn, lòng nhân ái, khoan dung… và những giá trị phổ quát của nhân loại.

Ngoài các tiêu chí trên còn phải đáp ứng được một số yêu cầu khác, như: có vị trí và tầm quan trọng bậc nhất về tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc và giá trị nhân văn; có vị trí và ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc; có giá trị và tác động lâu bền đối với nhiều thế hệ.

“Đó cũng là những áng văn tiêu biểu cho hình thức các thể loại “văn, sử, triết bất phân”, mang nhiều giá trị đặc sắc của lịch sử văn học dân tộc; tư tưởng của các tác phẩm này vẫn có ảnh hưởng sâu sắc và hiện vẫn truyền được cảm hứng cho giới trẻ. Đó có thể coi là một trong những yêu cầu bắt buộc về một số tác phẩm mà học sinh phổ thông có bằng tú tài phải biết. Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập… là những tác phẩm không thể thay thế” – PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ thêm.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, cần khắc phục quan niệm cứ tác phẩm trung đại là khó, còn tác phẩm hiện đại là dễ. Khó hay dễ phải tùy vào từng tác phẩm cụ thể và tùy thuộc vào yêu cầu của chương trình, đặc biệt là cách dạy của giáo viên.

“Văn bản, tác phẩm khó nhưng giáo viên biết truyền đạt vẫn hấp dẫn và có hiệu quả hơn nhiều tác phẩm dễ mà giáo viên không biết dạy. Vì thế việc làm thế nào để học sinh yêu thích văn học nói chung và các tác phẩm trung đại nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào các thầy cô giáo dạy Ngữ văn, chứ không phải các tác phẩm này khó hoặc không có giá trị”- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống bày tỏ.

Khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo

Hiện Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi dư luận Dự thảo các chương trình môn học, trong đó có môn Ngữ Văn. Theo đó, Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở trung học cơ sở và trung học phổ thông có tên là Ngữ văn. Nội dung cốt lõi của môn học sẽ trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết yếu về văn học và Tiếng Việt, đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất, năng lực ở từng cấp học.

Điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là chương trình Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học.

Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào bốn kỹ năng: đọc, viết, nói và nghe. Đọc bao gồm yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu. Yêu cầu về đọc hiểu bao gồm các yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc). Viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, trước hết là các kiểu loại văn bản thông dụng, sau đó là một số kiểu loại văn bản phức tạp hơn. Nói và nghe căn cứ vào nội dung của đọc và viết để luyện tập cho học sinh trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay.

Xuất phát từ các yêu cầu cần đạt nêu trên, chương trình nêu lên các nội dung dạy học, bao gồm kiến thức về tiếng Việt, văn học và ngữ liệu văn bản.

Ngữ liệu cho mỗi lớp chỉ nêu lên định hướng về kiểu loại văn bản, các ngữ liệu cụ thể được giới thiệu thành một phụ lục, gồm văn bản bắt buộc và văn bản gợi ý.

Ngoài các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy cơ bản, cốt lõi, thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, lên cấp trung học phổ thông, chương trình nêu lên nội dung một số chuyên đề tự chọn (35 tiết/lớp/năm) nhằm đáp ứng yêu cầu cho những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn.

Đánh giá các năng lực chung và năng lực đặc thù của môn Ngữ văn cần kết hợp cả định tính và định lượng, thông qua các bài kiểm tra (đọc, viết, nói, trình bày), bài tập nghiên cứu với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, dựa trên yêu cầu cần đạt về năng lực đối với mỗi cấp lớp. Cần xây dựng câu hỏi, bài tập một cách rõ ràng, dễ đo lường; các đề thi, kiểm tra quan trọng (cuối kỳ, cuối cấp) cần yêu cầu học sinh vận dụng, thực hành với tình huống và ngữ liệu mới.

Dù đánh giá theo hình thức nào cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và những suy nghĩ của chính các em, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN