Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vì sao các vụ án mạng ngày càng manh động, dã man?

Thứ Ba, 24/10/2023 10:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây trên cả nước có không ít vụ án mạng đau lòng xảy ra; tính chất, mức độ của các vụ có chiều hướng ngày càng manh động, dã man... Chuyên gia pháp lý nhìn nhận hiện tượng trên thế nào?

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Thời gian gần đây trên cả nước xảy ra không ít các vụ án mạng thương tâm, gây rúng động dư luận. Cứ vụ án này nối tiếp vụ án khác khiến dư luận xã hội từ thương cảm đối với nạn nhân cho đến trạng thái tâm lý phẫn uất đối với hành vi của hung thủ gây ra các thảm án man rợ. 

Công an Hà Tĩnh có mặt tại hiện trường điều tra một vụ án mạng. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN) 

 Đáng chú ý, qua một số vụ án có thể thấy, hung thủ đến từ mọi tầng lớp xã hội. Từ sinh viên đại học, người lao động tay chân hay doanh nhân thành đạt, trí thức đều có thể trở thành tội phạm. Điểm chung là họ đủ khả năng tự chủ về hành vi, nhận thức về hành động, nhưng lại có thể xuống tay một cách tàn độc.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, những vụ án đau lòng xảy ra ngay trong lòng xã hội hiện đại đã khiến nhiều cơ quan chức năng đau đầu và mong tìm được giải pháp đấu tranh, phòng ngừa để đẩy lùi, ngăn chặn. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ xã hội học, góc độ tâm lý học tội phạm, góc độ luật học có thể thấy vấn đề tội phạm có căn nguyên lịch sử, tội phạm phát sinh từ mặt trái của xã hội, tồn tại song song với sự phát triển của xã hội. Tội phạm không phải là con người cụ thể mà “tội phạm là hành vi” bất kể ai cũng có thể trở thành tội phạm nếu thực hiện hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Đi tìm gốc rễ của những vụ thảm án giết nhiều người, giết người một cách man rợ có thể thấy nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo sợ bị phát hiện sẽ bị pháp luật trừng trị, lo sợ hình phạt phải gánh chịu nếu bị phát giác, chính tâm lý này đã kích hoạt hành vi giết người một cách man rợ như “phân xác nạn nhân” để phi tang hòng tránh bị người khác phát hiện, xoá dấu vết phạm tội nhằm gây khó khăn cho hoạt động điều tra của cơ quan chức năng như ném xác xuống sông, đốt xác, đổ bê tông xác nạn nhân...

Việc giết người và phi tang xác có thể do hung thủ tự nghĩ ra, nhưng cũng có thể xem được từ trên môi trường mạng internet, vì thế hung thủ tự tin rằng hành vi của mình thực hiện sẽ trót lọt và không bị phát hiện. Chính niềm tin này đã thôi thúc những hung thủ giết người sẵn sàng liều lĩnh ra tay và thực hiện đến cùng chuỗi hành vi tàn ác, man rợ của bản thân.

“Từ thực tế trên, nếu ai đó nói chế tài pháp luật với hình phạt chưa nghiêm dẫn đến tâm lý xem thường pháp luật là chưa đúng, bởi rất nhiều vụ án man rợ hung thủ đều phải trả giá bằng bản án tử hình, thậm chí nhiều vụ án được đưa ra xét xử lưu động nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật để phòng ngừa tội phạm, răn đe hành vi vi phạm pháp luật tiềm ẩn. Song hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra, thậm chí gia tăng nhiều hơn. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ các vấn đề xã hội như lối sống, môi trường giáo dục, quan hệ gia đình...

Do vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường học sinh, những người trẻ tuổi cần được giáo dục đầy đủ cả kiến thức văn hoá, kỹ năng sống, tình yêu cá nhân, tình yêu gia đình, giáo dục lòng yêu nước, quý trọng sức lao động… thì sẽ hình thành được hành vi tốt, từ hành vi tốt sẽ có thói quen tốt và từ thói quen tốt sẽ nhen nhóm xây dựng được một con người có trách nhiệm và khuôn mẫu” - Luật sư Đồng nêu quan điểm.

Luật sư Đồng cũng cho biết, từ nhiều năm trước cũng có không ít vụ án dã man, nhưng khả năng lan truyền thông tin bị hạn chế. So với hiện tại, với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan toả thông tin đã biến đổi mạnh mẽ. Việc truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội thường xuyên khai thác tình tiết ly kỳ nhằm thu hút người xem đã tạo ra một bầu không khí tiêu cực thiên về mặt trái, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và hành vi của người tiếp cận thông tin, vô tình tạo ra các “ám thị xã hội”. Nguồn cơn các vụ án một phần do hung thủ bị ám ảnh, chi phối bởi những vụ án trước đây - gọi là "cơ chế ám thị xã hội".

 Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). (Ảnh: Trần Chiến)

Từ những vụ giết người man rợ vừa qua cho thấy đây là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ về sự suy đồi những giá trị đạo đức. Về mặt xã hội, cần tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho thanh thiếu niên.

“Để kiểm soát tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là nhóm tội phạm lĩnh vực trật tự xã hội, để giảm thiểu các vụ án mạng man rợ, rất cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, vấn đề tình yêu, giới tính. Nâng cao tinh thần trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc để hình thành đức tính tốt, thói quen tốt trong con người, từ đó tạo được môi trường tốt giúp con người trong xã hội nói chung và thế hệ trẻ rèn luyện bản thân, tránh các tác động xấu từ môi trường mạng internet. Các cơ quan truyền thông và mạng xã hội cần chấn chỉnh, định hướng hoạt động đưa tin, kiểm soát và ngăn chặn những thông tin xấu, thông tin bạo lực, độc hại,... từ đó sẽ giảm thiểu được các hành vi tiêu cực là nguyên nhân nội tại phát sinh tội phạm” - Luật sư Nguyễn Văn Đồng nhấn mạnh./.                                                                                                                          

Trần Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN