Vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng
(ĐCSVN) - Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đóng góp vào những nỗ lực chung của HĐBA trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, đáp ứng lợi ích chính đáng của các quốc gia và hướng tới nguyện vọng vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tốt đẹp hơn.
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam trước giờ xuất quân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.(Ảnh:vnpkc.gov.vn/) |
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tổ chức Phiên họp nghe báo cáo trực tuyến cấp Bộ trưởng (briefing) về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” (Protection of objects essential to the survival of civilian populations in armed conflicts).
Việt Nam là một nước từng trải qua nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh và trong hai cuộc kháng chiến, nhiều cơ sở hạ tầng điện, nước, bệnh viện, trường học, cũng như nhà cửa, đất canh tác đã trở thành mục tiêu phá hủy, trong các cuộc tấn công diện rộng. Việc tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân Việt Nam trong chiến tranh, để lại hậu quả lâu dài, là trở ngại lớn trong quá trình tái thiết, khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình bền vững và phát triển đất nước. Do vậy, Việt Nam có lợi ích và nhu cầu trong việc thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang, cũng như sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã nhiều lần đóng góp các nội dung liên quan trong quá trình thảo luận và thương lượng các văn kiện của HĐBA, đặc biệt là đã có đóng góp nội dung quan trọng về việc cần đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với hoạt động viện trợ nhân đạo, cung cấp các dịch vụ cần thiết liên quan đến vắc xin, điều trị y tế trong Nghị quyết 2562 (2021) của HĐBA về kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận vắc xin COVID-19 tại các khu vực xung đột thông qua vào tháng 2/2021.
Trong bối cảnh tình hình xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, ngăn ngừa xung đột hiện dần trở thành trọng tâm trong chính sách, chiến lược hoạt động của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực góp phần ngăn ngừa bùng phát và tái diễn xung đột từ sớm, giảm thiểu tổn thất về người và vật chất do xung đột gây ra. Vấn đề ngăn ngừa xung đột cũng dần được quy định, thể chế hóa trong những văn kiện chính sách, cơ quan trực thuộc quan trọng của các tiểu khu vực. Do đó, các tiểu khu vực ngày càng chú trọng tăng cường vai trò nhằm chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng với Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế trong ngăn ngừa xung đột và ổn định tình hình khu vực.
Đến nay một số biện pháp được các tiểu khu vực triển khai gồm: xây dựng chiến lược, kế hoạch cảnh báo xung đột, các khuôn khổ pháp lý, chính sách để quản lý, kiểm soát tranh chấp, xung đột; giải quyết các vấn đề khu vực thông qua các cơ chế khu vực, tăng cường đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình; Đóng vai trò trung gian và giám sát việc thực hiện các thỏa thuận, hiệp ước hòa bình quốc tế ở khu vực; tham gia các phái bộ LHQ góp phần bình ổn tình hình tại các khu vực xung đột, hỗ trợ tái thiết, xây dựng hòa bình, ngăn ngừa tái bùng phát xung đột.
Luật nhân đạo quốc tế (IHL) có quy định cụ thể về việc cấm tấn công, dỡ bỏ hoặc làm hư hại cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân, đồng thời đã đặt ra một số quy định cụ thể về bảo vệ đặc biệt đối với các cơ sở y tế, nhân đạo, trường học…; yêu cầu các bên trong xung đột tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về phân biệt giữa cơ sở dân sự và đối tượng quân sự, tránh gây thiệt hại và hạn chế tác động đối với người dân khi tham chiến.
Tuy nhiên, việc thực thi, triển khai các quy định trên theo IHL trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng cao, hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân. Trước những hệ quả nhân đạo nghiêm trọng của việc tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức trong các khuôn khổ, chính sách pháp lý quốc tế về xung đột vũ trang hiện nay, nhu cầu cần có một cách nhìn nhận và tiếp cận tổng thể, hệ thống đối với bảo vệ cơ sở thiết yếu đã trở thành một vấn đề bức thiết.
Tại HĐBA LHQ, vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đã nhiều lần được đề cập tại một số văn kiện về các vấn đề chủ đề và vấn đề khu vực cụ thể (Syria, Nam Sudan, Somalia, Yemen, Nigeria…), cũng như trong các khuôn khổ không chính thức liên quan. Song đến nay, HĐBA chưa có một văn kiện tổng thể về vấn đề này.
Mặc dù HĐBA LHQ đã tổ chức một số phiên thảo luận về xây dựng lòng tin như Thảo luận mở về chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và xây dựng lòng tin (tháng 1/2018) và có nhiều cuộc Thảo luận mở về hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực cụ thể, song đến nay chưa có phiên thảo luận mở nào tập trung vào vai trò của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực trong ngăn ngừa xung đột thông qua các CBM, đối thoại. Đồng thời, HĐBA chưa có văn kiện cụ thể ở HĐBA về mối liên hệ giữa xây dựng lòng tin, đối thoại và ngăn ngừa xung đột. Gần đây nhất, Nghị quyết số 2167 (2014) của HĐBA đã nêu nội dung khuyến khích các tổ chức khu vực tăng cường tham gia vào các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và trung gian hoà giải.
Việc Việt Nam tham gia tích cực và thúc đẩy sáng kiến về vấn đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” sẽ mang nhiều ý nghĩa lớn: thể hiện chính sách đối ngoại nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; thể hiện tinh thần, trách nhiệm trên cương vị Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ, khẳng định vị thế, phát huy vai trò tích cực của Việt Nam trong vấn đề “Bảo vệ thường dân”, một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy của quốc tế trong thời gian gần đây tại HĐBA và các diễn đàn quốc tế, và bảo vệ cơ sở thiết yếu là lĩnh vực chưa được thảo luận một cách tổng thể; là cơ hội quý báu để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và nỗ lực trong tái thiết hậu xung đột, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần thu hút sự quan tâm, nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này; đồng thời, đây cũng là dịp Việt Nam phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế nói chung và luật nhân đạo quốc tế nói riêng, đóng góp vào các nỗ lực chung về xây dựng hòa bình và thiết lập một nền hòa bình bền vững, là ưu tiên tổng thể của Việt Nam khi tham gia HĐBA.
Các cuộc xung đột vũ trang kéo dài không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tính mạng của người dân mà còn kéo theo hàng loạt hậu quả nặng nề khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân như cơ sở sản xuất lương thực, điện, nước, trường học, bệnh viện, cơ sở vệ sinh, xử lý chất thải… bị phá hủy hoặc không thể vận hành, điển hình như trong các cuộc xung đột ở Syria, Yemen, Iraq, Afghanistan, Somalia, Angola, Burundi, CHDC Congo, Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Liberia, Mozambique, Rwanda, Sierra Leone, Somalia và Sudan. Theo thống kê trong Báo cáo thường niên của Tổng Thư ký LHQ về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang năm 2019 và 2020, hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Trong bối cảnh xung đột, không chỉ là đối tượng bị tấn công phá hoại có chủ đích, các cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thường xuyên phải chịu thiệt hại gây ra bởi các cuộc tấn công trên diện rộng vào các khu vực đông dân cư, hoặc được sử dụng như một công cụ để kiểm soát địa bàn bởi các bên liên quan trong xung đột, đặc biệt là các nhóm vũ trang phi nhà nước. Đặc biệt, do các cơ sở hạ tầng thiết yếu có sự liên kết với nhau nên việc một hoặc một số cơ sở bị tấn công có thể tạo nguy cơ ảnh hưởng tới vận hành của toàn bộ hệ thống. Trong bối cảnh xung đột, các hoạt động vận hành, sửa chữa, bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các cơ sở hạ tầng này bị hư hại nghiêm trọng hoặc mất khả năng sử dụng sau xung đột, tạo các khó khăn cho quá trình tái thiết hậu xung đột.
Nhìn chung, đa số các nước đều đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, vai trò của các tổ chức khu vực do trực tiếp liên quan và nắm bắt tình hình, đặc điểm, lịch sử và đặc thù của khu vực; cần quan tâm, xử lý gốc rễ xung đột, trong đó có vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng, nhấn mạnh mối liên hệ qua lại và tương hỗ nhau giữa hòa bình và phát triển bền vững; ủng hộ quan điểm chung là cần tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực.
Việt Nam ủng hộ, nhấn mạnh thúc đẩy vai trò, tăng cường sự tham gia, hợp tác của các tổ chức khu vực với LHQ/HĐBA trong duy trì hòa bình và an ninh khu vực, toàn cầu; nâng cao quan điểm về lợi thế so sánh và am hiểu tường tận về các xung đột và các vấn đề an ninh xảy ra trong khu vực; nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong duy trì và xây dựng khu vực Đông Nam Á thành khu vực vì hợp tác và tin tưởng lẫn nhau.
Phát huy truyền thống hòa hiếu, nhân văn và tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của dân tộc, cũng như ước vọng của một đất nước luôn muốn hòa bình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đóng góp vào những nỗ lực chung của HĐBA trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, đáp ứng lợi ích chính đáng của các quốc gia và hướng tới nguyện vọng vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tốt đẹp hơn.
Tác động của việc tấn công, phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang Thứ nhất, cản trở khả năng tiếp cận, sử dụng nhu yếu phẩm và các dịch vụ thiết yếu của người dân. Thứ hai, để lại nhiều tác động nhân đạo lâu dài, nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các nỗ lực khắc phục hậu quả xung đột, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội; có khả năng gây bùng phát bất ổn, xung đột mới . Theo ước tính của LHQ vào tháng 8/2017, xung đột ở Syria đã khiến 540.000 người dân nước này không được tiếp cận nước uống, lương thực và các dịch vụ cơ bản khác như dịch vụ y tế. Thứ ba, làm trầm trọng tình trạng người dân bị buộc phải rời bỏ nơi cư trú, ảnh hưởng tới khả năng ứng phó, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo như mất an ninh lương thực, bùng phát dịch bệnh, thiên tai… Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc đảm bảo hoạt động của các cơ sở hạ tầng cung cấp và phân phối nước sạch, xử lý rác thải, vệ sinh dịch tễ, bệnh viện có ý nghĩa quan trọng góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng rãi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp, viện trợ vaccine ở các khu vực xung đột. Phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất của tình trạng này. Thứ tư, để lại những hệ quả lâu dài đối với môi trường tự nhiên, cũng như đối với quá trình tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình. Ở nhiều khu vực xung đột như Nam Sudan, Burundi, Somalia, việc thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng là một nguyên nhân cản trở quá trình hồi hương, tái định cư của các cộng đồng dân cư bị mất nơi cư trú. Trong khi đó, việc khôi phục, tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản thường mất rất nhiều thời gian và tốn kém, do đó có thể làm chậm quá trình xây dựng hòa bình. |