Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Về xứ Thanh ăn tết cùng người Thái

Thứ Hai, 22/11/2021 10:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Khi hoa đào bung sắc hồng, hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng cũng là lúc người Thái ở xứ Thanh đón tết. Ngược ngàn lên các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Mường Lát…, du khách thả hồn cùng thiên nhiên, hòa theo tiếng cồng chiêng ngân vang, tiếng khèn sáo trầm bổng cùng những điệu múa hát nhịp nhàng của những chàng trai, cô gái Thái.

Như các dân tộc khác ở Việt Nam, Tết là dịp sum vầy đoàn tụ của người Thái.

Phiên chợ 25 tháng chạp là phiên chợ cuối cùng và lớn nhất trong năm của người Thái. Họ xuống chợ mua sắm tết, sau đó là nghỉ ngơi chơi tết.

Tối 29, mọi người bắt đầu gói bánh chưng. Bánh chưng cổ truyền của người Thái không có nhân thịt, hành, đỗ bởi theo quan niệm của đồng bào nơi đây, hương vị tết trong bánh chưng chủ yếu nằm ở lá dong.

Tối 30 tết là bữa cơm tất niên, là dịp người thân, bạn bè quây quần, cùng nhau uống rượu đến sáng. Trong đêm cuối cùng của năm, người Thái có phong tục giữ cho hương cháy liên tục, không để tắt.

Sau lễ cúng giao thừa bằng cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén..., nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra đánh và múa hát lăm vông để chào mừng năm hết tết đến.

Điểm khác biệt trong tết cổ truyền của người Thái là tục gọi hồn cho những người đang sống. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa.

Kết thúc buổi gọi hồn, thầy cúng đích thân buộc vào cổ tay mỗi thành viên trong gia đình một sợi chỉ đen để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu cố ý làm đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay trong năm mới. Sáng mùng 1 người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Những người phụ nữ trong nhà hôm mùng 1 tết được đem xôi ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà, nơi bình thường họ không được đến.

Cá nướng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Thái ở xứ Thanh. 

Sau đó, mỗi gia đình dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả đàn ông con trai lui vào nhà trong, để cho phụ nữ dùng cơm trước. Mâm cỗ tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá với các món nướng, lạp, muối chua...

Buổi sáng đầu tiên của năm, người Thái nườm nượp đến nhà nhau chúc tết. Họ kiêng vứt lá dong xuống sàn nhà, kiêng quét nhà vào mồng 1. Tối ngày mồng 1 thì làm lễ tạ ơn. Có một nét văn hóa đặc sắc nữa trong dịp tết cổ truyền của cộng đồng người Thái trên đất xứ Thanh là tục rửa mặt sáng mùng 1 tết.

Từ sáng sớm tinh mơ, già trẻ, gái trai cùng nhau ùa ra các bến sông, bến suối, mó nước. Họ đem theo dụng cụ lấy nước và bẻ lấy một cành lá bên đường. Đến bến nước, mỗi người hớp một ngụm nước súc miệng rồi dùng tay vốc nước lên rửa mặt.

Tiếp đó, dùng cành cây nhúng xuống nước rồi vẩy lên quần, khăn, váy, áo; miệng đọc những câu ca có ý nghĩa xua đuổi cái xấu, cái bẩn đi, rồi ném tất cả các cành cây xuống để cuốn theo dòng nước.

Từ chiều mùng 1, nam nữ thanh niên bắt đầu đi chơi, đến nhà nào có thể ăn uống và ngủ luôn tại đấy. Mỗi cuộc du xuân năm mới kéo dài nhiều ngày, có khi qua rằm tháng giêng mới trở về nhà. Tết Nguyên đán của người Thái có nhiều hoạt động vui chơi dân gian như: ném còn, múa khèn, đẩy gậy, nhảy sạp, khua luống, hát khắp, đánh cù, đánh mảng, đi cà kheo, bắn nỏ… tạo không khí náo nhiệt những ngày đầu xuân.

Bài: KC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN