Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vệ sinh nhà cửa thế nào khi có F0 điều trị tại nhà?

Thứ Sáu, 04/03/2022 12:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “Gia đình tôi đang có bệnh nhân F0 điều trị tại nhà và được cách ly tại phòng riêng. Tuy nhiên hiện gia đình có nhiều thành viên sinh sống cùng nên tôi rất lo lắng. Vậy cần vệ sinh, khử khuẩn thế nào khi đang có F0 điều trị tại nhà để hạn chế lây nhiễm, rất mong nhận được sự chia sẻ.” Bạn đọc Mai Ngọc (Quận Đống Đa, TP Hà Nội) hỏi?

Luôn đeo găng tay, khẩu trang khi sử dụng hóa chất vệ sinh trong gia đình. Ảnh CTV 

Trả lời:

Câu hỏi của bạn Mai Ngọc cũng là băn khoăn của nhiều gia đình tại thời điểm hiện tại khi tình trạng F0 tăng cao và được phép điều trị tại nhà nếu đủ điều kiện cho phép.

Chia sẻ về vấn đề này tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hướng – thành viên Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hồ Chí Minh cho biết các gia đình có F0 điều trị tại nhà cần lên danh mục vị trí, vật dụng cần vệ sinh, khử khuẩn. Chuẩn bị hóa chất có nồng độ phù hợp và đảm bảo thông gió khi làm vệ sinh trong nhà có F0 đang cách ly.

Việc vệ sinh bằng chất lau rửa có chứa xà phòng hoặc thuốc tẩy giúp làm giảm mầm bệnh trên bề mặt và giảm nguy cơ lây nhiễm từ bề mặt.

Người nhà cần xác định các vật dụng bệnh nhân thường sử dụng để tiến hành vệ sinh, khử khuẩn như tay nắm cửa, bàn, công tắc, tay cầm, bàn bếp.. Các chất tẩy rửa thông dụng có thể giảm thiểu số lượng mầm bệnh trên bề mặt và giảm thiểu nguy cơ của nhiễm trùng từ bề mặt.

Lưu ý, cần để clo trong các chất tẩy rửa tiếp xúc với các vật cần khử khuẩn tối thiểu là 10 phút sau đó mới lau sạch lại. Lau bề mặt theo đường zic zắc, từ nơi sạch sang nơi bẩn. Với các thiết bị điện tử, có thể dùng dung dịch cồn từ 60-80% để vệ sinh.

Về vấn đề rác thải sinh hoạt trong gia đình có F0 điều trị cũng cần lưu ý. Cần phân loai riêng rác thải của F0 và các thành viên không bị nhiễm bệnh trong gia đình. Bên ngoài túi ghi rõ đâu là rác thải của F0, đâu là rác thải thường để nhân viên thu dọn vệ sinh phân loại, xử lý riêng.

Ngoài ra, cần chuẩn bị thùng rác riêng cho bệnh nhân F0, thùng rác yêu cần có nắp đậy kín và nên là thùng rác đạp chân mở nắp.

Khi thu gom rác thải của F0 cũng nên sử dụng gang tay để hạn chế lây nhiễm.

Cần để nhà cửa lúc nào cũng thông thoáng, đặc biệt là sau khi dùng các chất khử khuẩn nên sử dụng thêm quạt để tăng cường lưu thông luồng khí.

Việc rửa tay thường xuyên và đúng cách cũng giúp ích rất nhiều cho việc hạn chế lây nhiễm. Nên thực hiện rửa tay trước và sau khi ăn uống, sau khi thu gom rác thải tháo bỏ găng tay hay sau khi ho, xì mũi…

Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây./.

Ban Bạn đọc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN