Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

(ĐCSVN) – Những ngày cuối năm 2023, theo chân đoàn trải nghiệm du lịch Tây Bắc, chúng tôi đã đến với Cao Bằng, một trong những địa danh đã, đang “hấp dẫn” nhiều du khách trong và ngoài nước, nhất là trong vài năm trở lại đây.

Nhắc đến Cao Bằng, người ta nhắc nhiều đến địa danh Thác Bản Giốc - từng được nhiều báo chí quốc tế chọn là “thác nước đẹp bậc nhất thế giới”. Ngoài ra, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng cũng nổi lên là một điểm mới hấp dẫn gần đây với nhiều khám phá thú vị.

Vài năm gần đây, ngoài khu du lịch Pác Bó đã trở nên thân thuộc, người ta còn nhắc đến Cao Bằng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao…

Pác Bó Cao Bằng - Hành trình tìm về cội nguồn lịch sử và khám phá thiên nhiên

Pác Bó nằm trong vùng núi đá Cao Bằng, là vùng đất hoang sơ nhưng đầy kì vĩ nhưng cũng đẹp như tranh vẽ và đầy sắc màu của dòng chảy lịch sử. Đây là nơi gắn liền những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp. Pác Bó nổi tiếng với những thác nước đẹp mê hồn, những con suối trong vắt, những cánh rừng nguyên sinh trải dài, những núi đá hiểm trở cheo leo và những cánh đồng dưới thung lũng trù phú và rực rỡ.

Quần thể khu di tích lịch sử Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Theo tiếng dân tộc Tày - Nùng thì nơi Pác Bó có nghĩa là “đầu nguồn”. Đây là nơi được Bác Hồ chọn làm căn cứ địa lãnh đạo cách mạng và là nơi có dấu ấn quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trải qua những dấu mốc quan trọng sau ngần ấy năm nơi đây vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn những chứng tích và dấu ấn của cách mạng và của Hồ Chủ tịch. Pác Bó, Cao Bằng bao phủ bởi những dãy núi non hiểm trở, những thác nước như vẫy gọi vỗ về, những rặng tre xanh mát cả vùng trời. Ngoài cảnh đẹp của non nước, đến Cao Bằng du khách có thể ghé thăm quan những địa danh lịch sử như suối Lê Nin, Núi Các Mác, đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, hang Pác Bó…

Đến với Pác Bó, cùng các du khách, chúng tôi đã được đắm mình trong không gian thiên nhiên hoang sơ, huyền bí và cảm nhận những giá trị lịch sử và văn hóa của vùng đất này.

Qua dòng suối Lê Nin, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước làn nước trong xanh như ngọc. Xưa kia, nguồn sối này được dân bản gọi là suối Khuổi Giàng, theo tiếng Tày có nghĩa suối trời, nhưng vào năm 1941 Bác về nước chọn hang Pác Bó ở và làm việc thì Bác đã đặt tên cho suối này là suối Lê Nin. Suối Lê Nin nằm trong khu di tích lịch sử Pác Bó Cao Bằng, nổi tiếng với làn nước xanh vắt có thể nhìn dưới đáy tựa như mặt gương phản chiếu đại cảnh của đất trời, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp. Điểm đến này được nhiều người yêu thích bởi không gian yên tĩnh, cảnh sắc thơ mộng trữ tình. Khó có thể tìm một mỹ từ nào có thể diễn tả được nét đẹp và sự trong lành của dòng suối Lê Nin.

Ngước nhìn từ suối Lê Nin là ngọn núi Các Mác hùng vĩ. Núi Các Mác cũng được Bác đặt tên, đây là tên của hai nhà tư tưởng ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác. Núi Các Mác có rừng cây xanh thẳm với địa hình thông thoáng bên trong nhưng lại hiểm trở và bí mật bên ngoài, có lẽ vì địa hình như vậy mà Bác đã chọn làm nơi hoạt động bí mật.

Hang Pác Bó hay còn được gọi là hang Cốc Pó chỉ rộng khoảng 15m2, là nơi bác sống và làm việc thuở mới về nước, đây là nơi chứa đựng nhiều dấu ấn của Người. Trong hang có tấm phản gỗ Bác Hồ nằm nghỉ, bếp lửa sưởi ấm, bàn đá chông chênh nơi người làm việc hay tảng đá bằng Bác hay ngồi câu cá cạnh suối Lê Nin, vườn trúc cạnh hang Bác tự tay trồng… tất cả vẫn còn đó và đã trở thành những dấu ấn lịch sử quan trọng của khu di tích lịch sử Pác Bó.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên ngọn đồi Tiếng Chấy. Ngôi đền được xây dựng vào tháng 5/2011 vào dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Bác. Ngôi đền được xây dựng với phong cách nhà sàn vô cùng gần gũi và quen thuộc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Lán Khuổi Nặm cách hang Pác Bó khoảng 1km, đây là nơi Bác đã ở lâu nhất tại Pác Bó Cao Bằng. Đường đến Lán Khuổi Nặm khá dốc, quanh co nơi chân núi, nhưng hiện tại cũng đã được tu bổ lát đá để dễ đi hơn. Lán Khuổi Nặm được dựng gần một dòng suối, khá kín đáo thuận lợi cho việc quan sát và rút lui nếu có biến. Lán khá nhỏ chỉ khoảng 12m2, dựng theo kiểu nhà sàn đơn sơ và mộc mạc.

Theo tiết lộ của dân địa phương, Pác Bó Cao Bằng nơi non nước hữu tình, mùa nào cũng có một nét đẹp riêng. Tuy nhiên, nếu muốn ngắm trọn vẻ đẹp của nơi đây du khách nên chọn đến và tháng 10 đến tháng 5. Vào thời điểm này, tiết trời mát mẻ, không quá lạnh cũng không nắng gắt, trời lại khô ráo thuận lợi cho việc di chuyển đường núi đồi gập ghềnh của Pác Bó, đặc biệt là có thể ngắm trọn vẻ đẹp đầy nên thơ của suối Lê Nin. Suối Lê Nin nổi tiếng với màu nước xanh ngọc đẹp ngây ngất nhưng trong năm sẽ có khoảng 2-3 tháng mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 9), nước chảy cuộn nên mặt nước sẽ không trong xanh, khó lòng thưởng ngoạn được cảnh đẹp trầm ấm đầy nên thơ của nơi từng in dấu chân Bác.

Điểm thăm quan mới lạ - Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng

Công viên địa chất (CVĐC) non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2 (chiếm gần một nửa diện tích của tỉnh Cao Bằng), bao gồm 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích của 3 huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. CVĐC là nơi minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài lên đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này. Nơi đây có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngày 12/4/2018, UNESCO đã chính thức công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.

Đây là nơi sinh sống của 8 dân tộc anh em, như: Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay (Sán Chỉ), Hoa, Lô Lô. Nơi đây còn được xem là một trong những nơi được người tiền sử ngụ cư sớm nhất ở Việt Nam, và là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngoài ra, còn nhiều di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác.

CVĐC Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có ở Việt Nam để du khách có thể tìm hiểu lịch sử của trái đất qua các dấu tích. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá và đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng (như các tháp đá, nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông hồ, hang ngầm…) phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới bắc Việt Nam. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản hình thành ở vùng đất này.

Non nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu, nhiều loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam như: nghiến, bách vàng, hoàng liên chân gà, bảy lá một hoa, vượn cao vít, khỉ mặt đỏ, rắn hổ chúa…

Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, Cao Bằng đã từng bước xây dựng, phát triển du lịch bền vững, đưa du khách khám phá Công viên địa chất với ba “tuyến đường trải nghiệm”. Cụ thể, tuyến trải nghiệm ở phía Đông có chủ đề “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, gây choáng ngợp với cảnh quan muôn trùng núi đá vôi karst bao quanh các thung lũng, dòng sông xanh uốn lượn… Qua đèo Mã Phục 7 tầng dốc lên biên giới Trùng Khánh, thác Bản Giốc kỳ vĩ hiện ra giữa rừng già, dòng nước đổ xuống từ độ cao 30m, dưới chân là mặt sông phẳng như gương. Quần thể hồ Thang Hen cùng núi Mắt Thần Phja Piót (Núi thủng) nổi bật với núi có hang thùng trên đỉnh ở độ cao 50m, soi bóng xuống mặt hồ với màu xanh biếc, xung quanh là rừng rừng trám trắng, trám đen nhô lên những khối đá tai mèo. Một điểm đến không thể bỏ qua là chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, cách thác chỉ 500m. Chùa nằm trên lưng núi với kiến trúc thuần Việt, không gian thanh tịnh và yên bình.

Tuyến thứ 2 về phía Bắc “Trở về nguồn cội” với các điểm dừng chân như đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá,… Đặc biệt, điểm đến hấp dẫn nhất là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 và lãnh đạo phong trào cách mạng, cùng những địa danh Suối Lê Nin, núi Các Mác ôn lại truyền thống hào hùng.

Tuyến phía Tây “Khám phá Phja Oắc – Vùng núi của Những đổi thay” đưa du khách đến với Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén, Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo.

Thác Bản Giốc - vẻ đẹp hùng vĩ giữa đại ngàn

Đây là điểm dừng chân hầu như không du khách nào khi đặt chân đến Cao Bằng muốn bỏ lỡ. Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, rất kỳ vĩ nơi đây đã làm say đắm bao trái tim con người. Thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, địa danh này đã và đang trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn, thu hút hàng triệu khách tìm đến mỗi năm.

Nằm trên đường biên giới Việt - Trung, thác Bản Giốc được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới. Thác Bản Giốc cao hơn 60m với chỗ dốc dài nhất 30m; chia thành nhiều tầng đá vôi nối tiếp nhau và trải rộng đến cả trăm mét. Giữa thác có mô đất rộng với nhiều cây xanh bao phủ, chia con sông thành ba nhánh khác nhau. Nước dòng Quây Sơn có màu ngọc bích trong tiết trời vào thu. Trên mặt sông, hơi nước hình thành một khoảng sương mù, khi ánh nắng chiếu vào mang đến khung cảnh huyền ảo. Cảnh đẹp say đắm lòng người với từng tầng thác nối tiếp nhau tuôn nước ồ ạt, bọt tung trắng xóa.

Choáng ngợp, thán phục và trầm trồ xuýt xoa là cảm nhận không chỉ của chúng tôi mà của tất cả những du khách khi đặt chân đến khu vực thác Bản Gốc. Một khung cảnh thiên nhiên hữu tình mê đắm dễ dàng làm say mê lòng người. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên xen lẫn sự thơ mộng không phải nơi nào cũng có được. Bản Giốc được ví như một tấm lụa trắng mềm mại nằm trên màu xanh mướt của núi rừng biên giới. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp nơi trần thế.

Tương truyền, thác Bản Giốc gắn với một câu chuyện tình yêu diễm lệ và đầy cảm động mà người dân vùng bản này đã gọi tên để tưởng nhớ về một thời con gái Tày tiến Vua và cũng chính là niềm tự hào của con người nơi đây. Người dân địa phương kể lại rằng, ngọn thác nằm ở giữa được chia thành ba tầng, trong đó có hai tầng nằm sát cạnh giống như hình ảnh một đôi tình nhân đang ôm nhau và cũng được biết đến như một biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, lâu đời.

Có thể thấy, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng vùng đất này một thác Bản Giốc tuyệt đẹp, tuy đường đi xa xôi và trắc trở nhưng cũng không thể ngăn cản bước chân du khách tìm đến đây. Nhiều người còn nói vui, đến Cao Bằng mà chưa đi thác Bản Giốc là chưa đến Cao Bằng. Nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 100km và cách thủ đô Hà Nội 400km, thác Bản Giốc là thác nước lớn nhất ở Đông Nam Á và là thác nước tự nhiên có diện tích thứ tư thế giới. Rất nhiều khối nước được đổ xuống thông qua các tầng đá vôi, tất cả đã góp phần tạo nên một màn bụi nước màu trắng xóa. Nằm ở giữa là một mô đá được phủ đầy cây và chia thành ba luồng nước trông hệt như một dải lụa trắng. Bên dưới chân thác là dòng sông Quây Sơn nằm phẳng lặng, nước trong xanh như một chiếc gương soi bóng mây núi trời. Nhìn từ phía xa, thác Bản Giốc giống như một bức tranh sơn thủy nhiều màu sắc và vô cùng đẹp.

Đến với Bản Giốc, có thể đi vào bất cứ thời điểm nào trong năm bởi vì thời gian nào cũng đẹp đến nao lòng. Vào mùa nước, Bản Giốc mang vẻ đẹp của sự hùng vĩ và dữ dội. Dòng nước thác tung bọt trắng xóa và cuồn cuộn giống như mùa lũ đang kéo về, thường kéo dài khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Trong khi đó, mùa khô thác nước sẽ trở nên hiền hòa hơn. Dòng nước trong xanh cùng với những ruộng lúa chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang tạo nên một khung cảnh tuyệt vời như một bức tranh đủ sắc màu và kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Thác Bản Giốc cũng đã được công nhận là một trong những thắng cảnh cấp quốc gia.

Khám phá các làng nghề truyền thống nổi tiếng

Cùng với danh thắng thác Bản Giốc, Cao Bằng còn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác như: động Ngườm Ngao, khu du lịch sinh thái Phia Oắc, quần thể hồ Thang Hen, Phia Đén, các làng nghề truyền thống nổi tiếng…

Làng hương Phia Thắp: Nghề làm hương của người Nùng An ở làng Phia Thắp đã có từ lâu đời. Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của làng. Trải nghiệm làm hương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách. Đây cũng là cách để tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho bà con, và cũng là điểm nhấn khi tới mảnh đất Cao Bằng.

Làng rèn Phúc Sen: Làng Phúc Sen với nghề rèn có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú, đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ. Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện.

Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng trong đời sống người Nùng An, tháng 1 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận nghè rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể nói đây là một trong những làng nghề độc đáo nhất ở tỉnh Cao Bằng. Chính vì vậy, hằng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rèn vẫn được đồng bào dân tộc ở Làng Bồng Sơn gìn giữ, phát triển, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Làng đan lạt Bồng Sơn, được biết đến là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, không chỉ được biết đến là làng có phong trào cách mạng từ rất sớm mà còn nổi tiếng với nghề đan lạt vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Các sản phẩm của nghề đan lạt, gồm: cót lạt cật để trải giường nằm, cót lạt nan để phơi thóc, ngô, đỗ; bồ đựng thóc, dậu đựng gạo, “rủm” đựng đồ lễ; mẹt, sàng, thúng... đến sọt, lồng nhốt gà, vịt... là các đồ dùng thiết yếu của mọi gia đình nông dân. Nghề đan lạt là nghề phụ của các gia đình ở làng Bồng Sơn, có tính chất gia truyền, làm vào lúc nông nhàn hoặc tranh thủ ngoài giờ làm đồng, đi rẫy. Để làm ra các sản phẩm bền, đẹp, đòi hỏi kỹ năng thuần thục, nhất là việc chọn vầu, chẻ nan lạt, yêu cầu cơ bản nan phải rộng, dày đều đặn. Mỗi loại sản phẩm là một loại nan, rồi phải qua việc phơi, sấy để nan dẻo, không mọt...

Hà - Trang
06/01/2024 10:19
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN