Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vẻ đẹp của chiếc khăn Mat’ra của người Chăm

Thứ Năm, 12/10/2023 10:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Người Chăm tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành ở Nam Bộ và Trung Bộ. Với ý thức cộng đồng cao, đồng bào Chăm đã gìn giữ được nhiều phong tục, truyền thống rất đặc sắc, thú vị. Nổi bật trong đó là trang phục truyền thống gắn với chiếc khăn Mat’ra đã trở thành một phần không thể thiếu của phụ nữ Chăm. Cũng như nón lá của người Kinh, khăn Si La của phụ nữ Hà Nhì, khăn Piêu của đồng bào Thái, chiếc khăn Mat’ra đã trở thành một biểu tượng đại diện vẻ đẹp duyên dáng, e lệ, dịu dàng, hiền hậu của người phụ nữ Chăm.

Chiếc khăn Mat’ra với đường nét, họa tiết tinh xảo đã tô điểm cho nét đẹp của người phụ nữ Chăm. Ảnh: Phương Yên. 

Từ bao đời nay, nghề thủ công phát triển ở vùng Chăm nổi tiếng là dệt lụa tơ tằm và nghề gốm nặn tay, nung trên các lò lộ thiên. Cho nên, có rất nhiều phụ nữ người Chăm tự may chiếc khăn Mat’ra cho mình. Khăn Mat’ra nguyên mẫu là chiếc khăn hình vuông và vào thời xa xưa, khi bà con người Chăm còn khó khăn, thì nó cũng có thể làm bằng bất cứ loại vải nào mà họ có được. Khác với những người đạo Hồi Ả rập chuộng hai màu đen trắng, chiếc khăn của phụ nữ Chăm có đủ màu sắc, điểm xuyết bằng các hoa văn hình con sò, bông hoa… bằng chỉ thêu màu, kim tuyến hay cườm dọc theo mép khăn.

Đến nay, chiếc khăn Mat’ra đơn giản ban đầu dần dần biến tấu cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của các thời kỳ. Chiếc khăn truyền thống của người Chăm có chiều dài khoảng 1,5 – 1,6 m, chiều ngang 50 cm, thường được làm bằng lụa, voan, ren… đính kèm thêm các hạt cườm, kim tuyến hoặc các phụ kiện đắt tiền hơn để sử dụng trong các buổi tiệc, cưới hỏi.

Chiếc khăn không chỉ để che nắng, mà đủ dài để quàng quanh cổ và vắt qua vai, vừa có thể che tóc, che cổ và một phần trước ngực, hầu như để tránh đi ánh mắt tò mò của những người khác giới. Khi ở nhà, người phụ nữ Chăm thường đội những chiếc khăn đơn giản, ít màu sắc. Nhưng khi đi dự tiệc hay đám cưới, họ thường mang những chiếc khăn có màu sáng lộng lẫy.

 Khăn Mat’ra đã trở thành một phần trong trang phục truyền thống của phụ nữ Chăm

Có một điểm rất thú vị và độc đáo, đó là người Chăm ở vùng Trung bộ, sẽ có cách đội khăn khác so với Nam bộ. Trong lúc người Chăm ở khu vực Trung bộ choàng khăn từ sau ra trước rồi vắt chéo hai đầu khăn; một đầu vấn vào thái dương bên trái, đầu kia thả múi khăn xuống thái dương bên phải; hoặc quàng khăn từ trước đầu ra sau, hai đầu khăn hất lên đỉnh đầu và hai múi khăn được vắt ngược ra phía sau... Trong khi đó, phụ nữ Chăm Islam ở khu vực Nam bộ chỉ nhẹ nhàng choàng chiếc khăn lên đầu...

Người phụ nữ Chăm thường hiếm khi tháo bỏ chiếc khăn của mình, ngay cả trong lao động, sinh hoạt thường ngày. Vì đối với phụ nữ theo đạo Hồi, trang phục khi đi ra nơi công cộng phải hết sức kín đáo. Người phụ nữ càng kín đáo thì càng được cộng đồng tôn trọng, thể hiện nhân phẩm, tiết hạnh của phụ nữ dân tộc Chăm.

Người phụ nữ Chăm thường rất yêu chiếc khăn Mat’ra của mình, họ nâng niu, coi đó là niềm tự hào. Vì thế, đối với phụ nữ Chăm, khăn Mat’ra đã trở thành một phần trong trang phục truyền thống không thể thiếu mỗi khi ra khỏi nhà trong ngày thường, nhất là những sự kiện trọng đại... hơn cả, nó còn là thứ trang sức làm tôn vinh vẻ đẹp quý phái, đầy chất huyền bí của người phụ nữ Chăm.

Bài, ảnh: DA

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN