Văn học và ngôn ngữ trong thế giới đương đại: Bản sắc và hội nhập
(ĐCSVN) – Đó là chủ đề Hội thảo khoa học Quốc gia do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Khoa Ngữ văn tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Ngữ văn.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương khoá XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, đáp ứng những đòi hỏi mới từ thực tiễn nghiên cứu và dạy học Ngữ văn, Hội thảo khoa học Quốc gia: “Văn học và ngôn ngữ trong thế giới đương đại: Bản sắc và hội nhập” là một trong các hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Ngữ văn (11/10/1951 - 11/10/2021).
Hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Khoa Ngữ văn, ngày 02/10/2016 (Ảnh tư liệu) |
Theo Ban tổ chức Hội thảo, nghiên cứu văn học và ngôn ngữ ở nước ta hiện nay đang đứng trước những yêu cầu đổi mới. Đó là yêu cầu đổi mới về cách tiếp cận, cách đánh giá các vấn đề, các hiện tượng văn học, ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy ngữ văn trong nhà trường các cấp, nhằm thu hẹp dần khoảng cách giữa nghiên cứu của Việt Nam với thế giới, mở ra triển vọng đối thoại học thuật bình đẳng. Đó là yêu cầu về sự nắm bắt, tiếp biến, vận dụng những lý thuyết mới vào thực tiễn văn học, ngôn ngữ nhằm đáp ứng những đòi hỏi của một thời đại đang có nhiều biến đổi.
Tiếp cận các vấn đề văn học và ngôn ngữ trong thế giới đương đại theo hướng liên ngành là một xu thế nổi bật. Nghiên cứu những vấn đề tương tác ngôn ngữ - văn học - văn hóa luôn đặt ra vấn đề bản sắc và hội nhập. Bối cảnh mới của một thời đại bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa và đa văn hóa cùng với việc đổi mới các phương thức đào tạo đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong nhà trường. Bên cạnh mục tiêu cung cấp tri thức về văn học, ngôn ngữ và văn hóa; bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh, dạy học ngữ văn còn phải hướng đến phát triển các năng lực của người học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp, năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản, năng lực thẩm thấu - chuyển hóa những giá trị văn hoá, thẩm mĩ thành giá trị sống cho người học.
Hội thảo là cơ hội để các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học cùng nhìn lại quá trình nghiên cứu văn học - ngôn ngữ - văn hoá, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu; cũng là cơ hội để các cơ sở đào tạo, các nhà giáo xem xét bối cảnh xã hội, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng tốt hơn định hướng phát triển năng lực người học trong dạy học ngữ văn.
Hội thảo có chủ đề rộng, bao quát tất cả các vấn đề văn học, ngôn ngữ trong thế giới hiện nay, tập trung vào khía cạnh bản sắc và hội nhập: Các vấn đề lý luận, khuynh hướng nghiên cứu mới về văn học và ngôn ngữ; những lý thuyết, phương pháp mới đang được vận dụng, triển khai ở Việt Nam hiện nay. Bản sắc của/trong văn học và ngôn ngữ: Nhận diện, hệ thống, tiếp cận và chuyển giao giá trị vào đời sống. Hội nhập văn hoá và thực tiễn, thách thức trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn học. Thực trạng, giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong nhà trường các cấp, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của thời đại, của sự nghiệp đổi mới giáo dục; và các nội dung có tính liên ngành khác.
Một hoạt động khoa học nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Ngữ văn, tháng 10/2011 (Ảnh tư liệu) |
Ban tổ chức Hội thảo mong muốn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, văn hóa, các nhà giáo, các nhà quản lý và các cộng tác viên quan tâm tham gia Hội thảo qua các hình thức: viết tham luận, đóng góp ý kiến, đăng ký phát biểu tại Hội thảo. Ngoài các chuyên gia nghiên cứu, hội thảo đặc biệt khuyến khích các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia báo cáo trao đổi kết quả nghiên cứu và học tập của mình.
Theo kế hoạch ban đầu, Hội thảo được tổ chức vào ngày 18/9/2021 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban tổ chức đã thông báo điều chỉnh thời gian tổ chức Hội thảo thành ngày 13/11/2021, hạn cuối gửi báo cáo toàn văn: 25/9/2021. Trong trường hợp đặc biệt, Hội thảo có thể được chuyển sang hình thức trực tuyến. Thông tin chi tiết về Hội thảo có thể xem tại wesite của Khoa Ngữ văn (nguvan.hnue.edu.vn).
Khoa Ngữ văn chính thức ra đời vào ngày 11/10/1951, khi Bộ Giáo dục ra Nghị định 277 thành lập Trường Dự bị Đại học Liên khu IV - tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay. Là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngữ văn danh tiếng nhất Việt Nam, truyền thống và uy tín của Khoa gắn với những tên tuổi của các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu lớn trong cả nước như: Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc, Lê Trí Viễn, Trương Chính, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đình Chú, Đặng Thanh Lê, Bùi Văn Ba, Phan Trọng Luận, Trần Đình Sử…; nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước như: Trọng Bằng, Dương Thụ, Nguyễn Khoa Điềm, Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vỹ…
Trong 70 năm qua, Khoa Ngữ văn đã đào tạo khoảng 16.000 cử nhân chính quy, 8.000 cử nhân hệ vừa làm vừa học và 3.000 cử nhân theo các lớp đào tạo chính quy tại địa phương. Từ năm 1997, Khoa đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao. Ngoài ra, Khoa còn tham gia đào tạo các hệ tại chức, từ xa, hệ chính quy theo địa chỉ... Đối với hệ sau đại học, Khoa đã đào tạo khoảng hơn 7.500 thạc sĩ, hơn 400 tiến sĩ. Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Ngữ văn còn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, tổ chức động viên sinh viên nghiên cứu khoa học... Khoa đã tham gia, chủ trì, hoàn thành nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Trường. Đối với giáo dục phổ thông, cán bộ trong Khoa tham gia viết sách giáo khoa phổ thông, sách hướng dẫn giáo viên, sách tham khảo cho giáo viên phổ thông với gần 800 đầu sách. Khoa còn là Trung tâm nghiên cứu khoa học về Văn học dân gian, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lý luận văn học, Ngôn ngữ, Hán Nôm và Phương pháp dạy học Ngữ văn… Một số cán bộ giảng viên đầu ngành trong Khoa đã tham gia Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận và phê bình thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham gia các chương trình khoa học quốc gia... Đã có 4 cán bộ trong Khoa được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là các Giáo sư: Đặng Thai Mai, Lê Trí Viễn, Bùi Văn Ba, Đỗ Hữu Châu; 10 cán bộ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; 2 cán bộ được trao tặng Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam; 1 cán bộ được trao tặng Giải thưởng Sách Việt Nam, 15 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 29 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú… |