Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Văn hóa là nền tảng để phát triển thương mại và du lịch Thủ đô

Thứ Năm, 09/08/2018 15:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đó là nhấn mạnh của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về kết quả tình hình công tác những tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm và giai đoạn 2019 – 2020, diễn ra sáng 9/8.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc.(Ảnh:TA)

Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Thời gian qua công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được tăng cường; kiểm soát tốt các lĩnh vực do ngành quản lý, không để xảy ra các vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.

Sở đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; tham mưu giám sát việc thực hiện chương trình tại 12 sở, ngành, quận, huyện, thị xã và ban hành kế hoạch về việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020.

Cùng với đó, việc xây dựng Nếp sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm thực hiện. Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện hiệu quả việc cưới, việc tang văn minh an toàn tiết kiệm. Công tác tổ chức quản lý hoạt động lễ hội trên địa bàn diễn ra nền nếp, trật tự, an toàn; cơ bản khắc phục được hạn chế, tồn tại của những năm trước.

Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan được triển khai chủ động, có nhiều đổi mới. Công tác gia đình được chú trọng, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; duy trì hiệu quả thực hiện việc cưới, việc tang văn minh. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại 5.922 di tích và tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 1.793 di sản.

Phong trào thể dục thể thao gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được phát triển sâu rộng, hướng về cơ sở. 38% số người dân thường xuyên tập luyện thể dục thể thao; 28% số hộ là gia đình thể thao. Thể thao thành tích cao đạt 1.010 huy chương trong và ngoài nước. Hà Nội đóng góp 28,1% số vận động viên cho đội tuyển quốc gia tham dự ASIAD 2018 tại Indonesia vào tháng 8/2018.

Tuy nhiên theo lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu, quản lý nhà nước của ngành trong một số lĩnh vực công tác chưa thực sự chủ động, quyết liệt. Một số lĩnh vực quảng cáo của ngành như hoạt động quảng cáo, hoạt động biểu diễn quần chúng trên phố, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke)… đã có chuyển biến nhưng vi phạm và tái phạm vẫn còn tiềm ẩn, phổ biến. Công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa thể thao cũng còn những bất cập; chưa khai thác được các tiềm năng thế mạnh  văn hóa của Thủ đô… Nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp kịp thời. Chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo; quy trình kiểm tra, bình xét, công nhận, có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao. Thể thao thành tích cao phát triển chưa bền vững, việc ứng dụng khoa học để nâng cao thành tích của vận động viên còn hạn chế…  Ngoài ra, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh dù đã có những chuyển biến nhưng mới chỉ là kết quả ban đầu; việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử chưa đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống trong sinh hoạt, công tác hằng ngày của cán bộ, nhân dân Thủ đô.

Tại buổi làm việc, các ý kiến phát biểu đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm góp phần đưa các hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng phát triển theo hướng tích cực, có trọng tâm, trọng điểm. Các ý kiến nhấn mạnh đến việc quan tâm hơn nữa đến các di tích, lịch sử kháng chiến mang yếu tố giáo dục truyền thống giáo dục chính trị cho thế hệ trẻ; tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt giáo dục thể chất tại các trường học; có cơ chế để thu hút được các diễn viên, nghệ sĩ gắn bó lâu dài với nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế.... là những lĩnh vực có kết quả nổi bật và nhiều sáng tạo giữa nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Thủ đô. Mỗi năm Thành phố có khoảng 2 nghìn sự kiện văn hóa, thể thao của cả Thành phố và Trung ương được ngành văn hóa và thể thao Thủ đô thực hiện có hiệu quả, được đánh giá cao, cho thấy sự sáng tạo của đội ngũ quản lý, của giới nghệ sỹ, diễn viên... đóng góp cho ngành văn hóa Thủ đô, cũng là tạo điều kiện cho phát triển du lịch, thương mại. “Tác dụng của phát triển văn hóa là nền tảng cho phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn, đóng góp cho sự phát triển Thủ đô. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ văn hoá… phải liên tục sáng tạo và nỗ lực hơn nữa” – Bí thư Hoàng Trung Hải lưu ý.

Đánh giá cao ngành văn hóa và thể thao đã nỗ lực trong triển khai 2 quy tắc ứng xử từ Thành phố đến cơ sở, đến cả các tổ dân phố, kết quả bước đầu có tác dụng đến mọi người dân, đặc biệt là đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, tuy nhiên, Bí thư Hà Nội cho rằng Quy tắc ứng xử mới làm được bước đầu. “Đây công việc thường xuyên, lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà cần bền bỉ vì vậy ngành văn hóa và thể thao cần nỗ lực hơn nữa để đưa các bộ quy tắc thực sự đi vào cuộc sống” – Bí thư Hoàng Trung Hải khẳng định.

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, hiện nay tác động hội nhập vào gia đình rất lớn. Gia đình là tế bào của xã hội nên cần nêu gương ứng xử đẹp trong gia đình, trong tổ dân phố mạnh mẽ hơn; đưa vào và hình thành thành nếp sống, đời sống hàng ngày của người dân. Muốn vậy tất cả ngành văn hóa phải vào cuộc, phải đồng bộ, sáng tạo và từng người dân hưởng ứng, vào cuộc thì mới có hiệu quả.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trò chuyện các đại biểu. (Ảnh: TA)

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị ngành quan tâm đến các hoạt động văn hóa có chất lượng. Đến Hà Nội là đến một không gian văn hoá, văn hiến, hoà bình dày đặc với các di tích đã thu hút một lượng lớn du khách tới Thủ đô. Do đó, chúng ta phải khắc phục hạn chế để nhân lên nét đẹp người Hà Nội. "Hà Nội phải khác các địa phương khác, đây là nơi hội tụ văn hóa Thăng long Hà Nội, văn hóa xứ Đoài, phải bồi đắp và phát triển. Là Thủ đô phải xứng đáng văn hóa Thủ đô, làm thế nào để người dân có niềm tin vào Hà Nội", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Đối với công tác quản lý di tích, liên quan đến vụ việc dư luận phản ánh về đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa từ "Di tích 300 năm tuổi biến thành 1 ngày tuổi", Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao khắc phục trong công tác quản lý di tích. Với vụ việc tại Ứng Hòa phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp khắc phục với đình Lương Xá.

Đề cập đến các thiết chế văn hóa, Bí thư Hoàng Trung Hải cho rằng, những năm qua Thành phố đã rất nỗ lực, đầu tư thiết chế văn hoá khá tốt. Điều này đòi hỏi thời gian tới, cần nỗ lực hơn nữa. “Đối với những dự án không triển khai cần thu hồi để xây dựng các thiết chế văn hoá. Muốn thế phải có chương trình rà soát lại các thiết chế văn hoá, từ đó đề xuất các giải pháp. Kiên quyết dành đất, nguồn vốn cho các thiết chế văn hoá. Làm lâu dài, kiên trì sẽ thành công” – Bí thư Hoàng Trung Hải nói

Đồng tình với đề xuất có cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các văn nghệ sĩ, diễn viên, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, Bí thư Hoàng Trung Hải lưu ý, trong quá trình tự chủ văn hoá truyền thống phải có lộ trình, không thể xô bồ mà phải từng bước, thận trọng. “Phá một ngày nhưng phải xây cả trăm năm”…./.

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN