Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vận động, giám sát việc sử dụng kinh phí phòng chống dịch Covid-19 công khai, minh bạch

Thứ Tư, 18/03/2020 15:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hệ thống Mặt trận các tỉnh, thành phố sau lễ phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tại địa phương. Mặt trận Trung ương có hướng dẫn cụ thể để Mặt trận các tỉnh, thành phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên để vận động cũng như giám sát việc sử dụng kinh phí vận động… một cách công khai, minh bạch.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Ngay sau khi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về các vấn đề liên quan đến việc vận động, giám sát, sử dụng kinh phí và các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

PV: Xin Phó Chủ tịch cho biết cụ thể hơn về nội dung Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nam ra lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19?

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Vào lúc 9h ngày 17/3/2020, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã chính thức ra lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Đây chính là thông điệp của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để kêu gọi toàn dân tích cực thực hiện các biện pháp tham gia phòng chống dịch bệnh trên địa bàn cả nước. Ý nghĩa lời kêu gọi ngoài việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nươc hỗ trợ các nguồn lực về vật chất, kinh phí còn là kêu gọi toàn dân cùng hành động tích cực bằng các việc làm cụ thể để tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chúng tôi rất vui khi trong buổi phát động, đồng hành cùng với lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ngân hàng thương mại, các tập đoàn, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước nghe tin và đến tham dự, thể hiện sự đồng hành và ủng hộ tích cực. Tại buổi lễ, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, đăng ký ủng hộ của 36 các doanh nghiệp, tập đoàn, các doanh nghiệp trong cả nước với kinh phí nhận được ban đầu là trên 235 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Apollo Silicone ủng hộ vật tư y tế trị giá 20 tỷ đồng; Vietcombank ủng hộ 10 tỷ đồng; Vietinbank 10 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV 10 tỷ đồng, Ngân hàng MB 10 tỷ đồng…

Đây là nguồn lực to lớn hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ và những người trực tiếp làm các công tác liên quan đến phòng chống dịch bệnh ở các trung tâm cách ly phòng chống nhiễm vi rút cũng như tạo nguồn lực hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị, các vật tư y tế phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.

Một phần nữa là cùng với nhà nước, kinh phí này hỗ trợ thêm cho các cá nhân, gia đình gặp khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phải cách ly, tạo sự ổn định cho cuộc sống của họ trong điều kiện khó khăn để vượt qua dịch bệnh.

PV: Vậy, MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai chương trình này như thế nào thưa Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh?

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Sau lễ phát động, chúng tôi triển khai ngay công việc của hệ thống Mặt trận cả nước. Chúng tôi đã trao đổi với thường trực MTTQ 63 tỉnh, thành phố về việc tổ chức tiếp nhận, ủng hộ các nguồn lực để phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, ngay sau buổi lễ, MTTQ các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch để báo cáo với cấp ủy phối hợp cùng với ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố để tổ chức vận động các nguồn lực quyên góp tại chỗ đảm bảo cho việc phòng chống dịch tại địa phương mình theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đồng thời chủ động, linh hoạt để có các biện pháp và nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19 của các địa phương.

Đối với các nguồn lực vận động được tại Trung ương, chúng tôi sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mà cơ quan thường trực là Bộ Y tế đảm bảo công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, theo phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hỗ trợ kịp thời, đúng mục đích, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ.

Đến thời điểm lễ phát động ngày 17/3/2020, đã có 17 đơn vị và 15 ngân hàng đăng ký ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 lên tới hơn 235 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng ủng hộ 140 tỷ đồng. 

Hệ thống Mặt trận các tỉnh, thành phố sau lễ phát động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tại địa phương. Mặt trận Trung ương có hướng dẫn cụ thể để Mặt trận các tỉnh, thành phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên để vận động cũng như giám sát việc sử dụng kinh phí vận động được cho công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng chức năng, hoạt động của Mặt trận một cách công khai, minh bạch.

PV: Sức mạnh của Mặt trận luôn gắn liền với các khu dân cư. Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được Mặt trận thực hiện như thế nào để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các khu dân cư, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Đối với công tác tuyên truyền cho nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể đã làm ngay từ đầu. Khi có công văn 79-CV/TW của Thường trực Ban Bí thư cũng như Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, MTTQ Việt Nam đã triển khai kịp thời các biện pháp để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống dịch.

Chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến để phổ biến các kinh nghiệm, nhiệm vụ cũng như chia sẻ các biện pháp để hỗ trợ cho nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, những biện pháp người dân làm và phải làm theo đúng hướng dẫn của các cơ quan y tế. Đó là các biện pháp đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn theo bước hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hoặc giảm các hoạt động đông người, không tham gia các hoạt động công cộng ở nơi đông người…, góp phần ngăn chặn lây lan của dịch bệnh.

Đối với các khu dân cư có người phải thực hiện cách ly, chúng tôi tuyên truyền, vận động nhân dân không kỳ thị đối với các gia đình đó nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan và động viên tinh thần, vật chất đối với các gia đình có người bị cách ly.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh.  

         
 
 Thấy trách nhiệm cùng chung tay với xã hội

Trao đổi với chúng tôi, bà Thái Hương, một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam công bố, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH tại Việt Nam; Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BAB) chia sẻ, đất nước chúng ta có truyền thống tương thân tương ái nên khi đại dịch xuất hiện chính là thời điểm để mỗi người, mỗi đơn vị, nguồn lực trong xã hội chung sức đồng lòng chia sẻ khó khăn, sát cánh cùng cơ quan chức năng để chiến thắng Covid-19. Nhìn vào sự chỉ đạo của Chính phủ, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tận tâm của các ban chỉ đạo, của các y bác sĩ, của cán bộ chiến sĩ, của người dân ở những vùng bị cách ly, tôi thấy rất xúc động.

“Với mong muốn góp phần lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng, hướng đến mục tiêu chung đẩy lùi và xóa sổ dịch bệnh, Tập đoàn TH và Ngân hàng Bắc Á là những đơn vị tiên phong cùng Chính phủ và Bộ Y tế trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, đại diện của Tập đoàn TH đã đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng 1 triệu ly sữa hỗ trợ phần nào trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và Ngân hàng Bắc Á hỗ trợ 5 tỷ đồng. Tôi mong muốn mọi thành phần trong xã hội ai cũng có tấm lòng dù trước hay sau. Ngoài tự giác, tự nguyện thì thấy trách nhiệm cùng chung tay với xã hội” – Bà Thái Hương nói.

Bài, ảnh: Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN