Vẫn còn lỗ hổng từ Nghị định 46...
(ĐCSVN) – Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt đã được thực hiện. Về tổng thể, Nghị định nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, cũng không khó để nhận ra những lỗ hổng cần khắc phục.
- Hà Nội: Cảnh sát cơ động tuần tra vào ban ngày, nhưng không được truy đuổi người vi phạm
- Xử phạt vượt đèn vàng, ranh giới mong manh?
- Xử phạt nặng người uống rượu bia tham gia giao thông
Nghị định 46 không có tranh cãi về mặt luật pháp. Một số những thắc mắc về quy định xử phạt mới như: Vượt đèn vàng, nghe điện thoại di động khi điều khiển xe, thời gian bật đèn trên phương tiện, hay không gạt chân chống xe... trên thực tế không quá khó để điều chỉnh cho phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể. Ngoài ra, những điểm mới về xử phạt liên quan tới vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ hay sử dụng ma túy dĩ nhiên cần thiết và có tính răn đe cao.
Tuy nhiên, gây lo ngại nhất và cũng khó kiểm soát nhất ở Nghị định 46 chắc chắn sẽ nằm ở các trường hợp cảnh sát giao thông (CSGT) được trao quyền xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản. Ai cũng thấy đây sẽ là lỗ hổng rất lớn dễ phát sinh tiêu cực từ cả hai phía: Người xử phạt và Người bị xử phạt. Theo quy định, CSGT sẽ không cần lập biên bản ở mức xử phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân hoặc 500.000 đồng đối với tổ chức. Đó là những mức phạt không quá lớn, nhưng cũng đủ để phát sinh những hệ lụy từ tâm lý muốn xử lý “nhanh gọn” của nhiều người.
Trong rất nhiều trường hợp, tiêu cực đã xảy ra ngay cả khi CSGT lập biên bản xử phạt như trước đây, khi người vi phạm phản ứng lại án phạt bằng sự hối lỗi, xin xỏ và “mặc cả” lực lượng chức năng hạ mức phí xử lý vi phạm. Tuy vậy, việc lập biên bản ít ra vẫn còn có cơ sở để kiểm soát và giám sát công quyền. Trong trường hợp có sự thỏa thuận nào đó giữa người vi phạm và người xử phạt, việc không lập biên bản xử lý vô hình trung sẽ lại tạo "kẽ hở" cho tiêu cực.
Sự thật, sẽ có rất nhiều người dân không hiểu thấu đáo về quy định xử phạt tại chỗ của CSGT trong các trường hợp nói trên. Tất cả các quyết định phạt có biên bản hay không biên bản đều có biên lai thu tiền của lực lượng chức năng, chứ không có chuyện người dân đưa tiền phạt mà không có giấy tờ gì chứng minh. Thế nhưng ở khía cạnh nào đó, đây chính là vấn đề có thể dẫn đến những tiêu cực nếu người tham gia giao thông không nắm bắt hết các quy định của Luật.
Trong những tháng đầu năm 2016, cả nước đã rúng động bởi chuyên án của Công an Thành phố Cần Thơ về vụ việc bị điều tra nhận tiền “làm luật” cả tỷ đồng của Thanh tra Giao thông tỉnh này. Hàng loạt những lỗ hổng về quản lý và kiểm soát nhân sự, quy trình làm việc, hay cả những báo động về sự xuống cấp về mặt đạo đức của những người thực thi pháp luật đã lộ diện. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng chừng đó cũng đã đủ để người dân cảm thấy bất bình và giảm sút niềm tin vào những công bộc của dân.
Trở lại với câu chuyện về Nghị định 46, nếu không lường trước được những hạn chế có thể làm nảy sinh tiêu cực, rất có thể chúng ta sẽ lại có thêm nhiều bài học đáng tiếc nữa liên quan tới những người thực thi.
Cuối cùng, trước khi muốn nâng cao ý thức chấp hành luật của người dân, muốn dần dần xóa bỏ tâm lý “xin xỏ”, “thông cảm” mỗi khi người vi phạm làm việc cùng CSGT, chính lực lượng chức năng cũng phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Trên hết, nền tảng cho một xã hội văn minh và thượng tôn luật pháp nằm ở chính cách hành xử của người thực thi pháp luật./.