Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ưu tiên nguồn vốn đảm bảo tiến độ và chất lượng Dự án cao tốc Bắc - Nam

Thứ Sáu, 07/01/2022 01:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, chiều 06/01, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án; về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; về sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; về phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành cũng như cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án theo đề nghị của Chính phủ; đánh giá sự tương quan giữa các dự án trong từng dự án khác nhau và trong tổng thể quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông) tham gia thảo luận chiều 6/1. Ảnh: Bảo Yến

Nhất trí cao về sự cần thiết của chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tuy vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) và đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) bày tỏ băn khoăn về việc Chính phủ dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung cho dự án khoảng 72.497 tỷ đồng sẽ cân đối từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” có thời gian triển khai trong 2 năm 2022-2023, việc sử dụng nguồn lực của Chương trình này đáp ứng yêu cầu giải ngân nhanh sớm phát huy hiệu quả vào thúc đẩy phát triển. Trong khi các dự án thành phần của Dự án đường cao tốc phần lớn là dự án trọng điểm quốc gia, quy trình thủ tục triển khai chặt chẽ, từ khâu chuẩn bị dự án đến khi khởi công kéo dài 2-3 năm. Như vậy có nguy cơ Chương trình hết thời hạn thực hiện mà công trình còn chưa được triển khai, làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn.

Đóng góp vào việc đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai), cho rằng việc đảm bảo hoàn thiện dự án đúng tiến độ nên cần đưa vào dự thảo Nghị quyết với một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Luật Đầu tư công. Ngoài ra, khi triển khai dự án phải đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, phòng tránh tiêu cực, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi giải ngân không đúng và triển khai dự án không đúng tiến độ. Vấn đề thu phí tự động không dừng cũng được đưa vào trong dự thảo Nghị quyết và phải hoàn vốn cho ngân sách Trung ương. Ngoài ra, cần đảm bảo nguyên vật liệu để xây dựng dự án, tránh dự án phải tạm ngừng triển khai vì giá nguyên vật liệu trên thị trường có sự biến động.

Đại biểu Lê Ngọc Hải (TP Đà Nẵng) nhận định đây là một hành lang vận tải hết sức quan trọng, kết nối ba miền Bắc - Trung – Nam, tuy nhiên còn băn khoăn về thời gian thi công mà Chính phủ trình từ 2022 đến 2024 là khó khả thi, vì công việc khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng rất phức tạp, qua nhiều công đoạn, do đó nên xác định lại thời gian ít nhất là 2025. Đại biểu cũng đề nghị quy hoạch, bố trí thêm từ 4 làn xe thành 6 đến 8 làn để có tầm nhìn phát triển về lâu dài.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu nguồn hỗ trợ để hình thành đường cao tốc qua bốn tỉnh Tây Nguyên cũng như kết nối tỉnh Bình Phước với TP Hồ Chí Minh, giúp kết nối miền Trung – Tây Nguyên và phía Nam, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Đồng tình 8 nhóm chính sách giao thí điểm cho Cần Thơ 

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội) cho rằng, để phát triển kinh tế, tạo đột phá thì cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh và có thể vượt rào, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả thì nên có thí điểm. “Các địa phương đều có lợi thế, có đặc điểm riêng và cần có các cơ chế đặc thù để phát triển nhưng chúng ta cũng cần phải có các chính sách ưu tiên, lựa chọn tập trung đầu tư trước một số tỉnh, một số địa phương có tiềm năng, thế mạnh hơn làm đầu tàu dẫn dắt và hỗ trợ các địa phương tiếp tục phát triển và cũng là bài học thực tiễn cho việc khái quát hóa thành các chủ trương để hoàn thiện thể chế, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đánh giá cao 8 nhóm chính sách giao thí điểm cho Cần Thơ bao gồm cả về thể chế tài chính, quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, ưu đãi đầu tư với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ,… Theo đại biểu, các chính sách này đã tạo cho Cần Thơ hệ thống đồng bộ, toàn diện để phát huy được mọi nguồn lực và đặc biệt khơi thông được những điểm nghẽn, phát huy được đặc thù, lợi thế của Cần Thơ, có tác động lan tỏa vùng miền thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Cần Thơ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ủng hộ việc ban hành Nghị quyết thí điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cần chú ý rà soát để ban hành đầy đủ cơ chế giám sát việc thực hiện nhằm đảm bảo nghị quyết ban hành phải có tính khả thi cao, phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất, đảm bảo sự thống nhất phát triển trong toàn quốc gia, không chỉ tạo ra vật chất mà còn tạo ra niềm tin cho cử tri, uy tín cho Quốc hội.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Tp. Đà Nẵng cũng đề nghị cần quan tâm hơn đối với dự án phân luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, với đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu giao thông đường thủy. Về khu liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đại biểu dẫn chứng thời gian gần đây việc ùn ứ xuất khẩu hàng nông sản thể hiện sự bị động, tạo khó khăn trong sản xuất nông sản, việc hình thành các trung tâm này sẽ tháo gỡ một phần việc phụ thuộc vào nước ngoài, giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng cho rằng không chỉ với Cần Thơ, với Đồng bằng sông Cửu Long hay các vùng trọng điểm khác trên cả nước, cần nghiên cứu và có chính sách hình thành trung tâm này, đồng thời có chính sách cho các doanh nghiệp tham gia vào các loại hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN