Ưu tiên nguồn lực cho y tế, dân số vùng dân tộc thiểu số, miền núi
(ĐCSVN) - Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực y tế, dân số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có điều kiện địa lý, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực.
Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị định số 05/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, trong lĩnh vực y tế, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư.
99,5% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có trạm y tế. Tỷ lệ trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2020 đã đạt gần 95%. Các trạm y tế này được đầu tư hoàn chỉnh về nhà cửa, trang thiết bị, nhân lực để có thể làm đầy đủ các chức năng về dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu; có giường để sơ, cấp cứu, đỡ đẻ thường, thực hiện một số dịch vụ cơ bản về sản, phụ khoa, nhi khoa, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, có vườn thuốc nam…
Trạm y tế xã tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc thiểu số xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình (Ảnh: CTV) |
Nhờ mạng lưới y tế được bao phủ rộng khắp ở xã nên tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản ngay tại địa bàn sinh sống ngày càng tăng. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt trung bình 90,6%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ đồng đạt trung bình 79,8%. Các loại bệnh, dịch như sốt rét, bướu cổ, lao, phong cơ bản được khống chế, loại trừ.
Đáng lưu ý là khi đi khám chữa bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số được bảo hiểm y tế chi trả. Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trung bình 91,9%.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt trước 4 năm chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 142/QH13 của Quốc hội Khoá XIII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Một số tỉnh thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao như Điện Biên, Lào Cai, Sóc Trăng, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Quảng Nam từ 92,7 % đến 99,6%.
Một thành tựu khác trong lĩnh vực dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đã giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đồng đạt trung bình 15,8%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt trung bình 21%.
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của 53 dân tộc thiểu số đã được nâng cao rõ rệt. Năm 2015, là 69,9 tuổi; năm 2019, đạt 70,7 tuổi, rút ngắn đáng kể khoảng cách với tuổi thọ trung bình của cả nước.
Hiện nay, có 9 chính sách dân tộc về y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trong đó có 01 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Một số chính sách về y tế, dân số đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030./.