Ưu tiên bảo trì những công trình huyết mạch, lưu lượng xe lớn để đảm bảo an toàn giao thông
(ĐCSVN) – Để giải quyết khó khăn về kinh phí, Cục Đường bộ Việt Nam phải lựa chọn, ưu tiên sửa chữa những đoạn tuyến, những công trình cầu nằm trên tuyến huyết mạch, lưu lượng xe lớn bị hư hỏng gây mất an toàn giao thông để thực hiện sửa chữa trước, những đoạn tuyến khác lưu lượng xe thấp, còn khai thác được sẽ thực hiện sửa chữa sau.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Ảnh: KG) |
Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề xuống cấp sớm của cầu và đường bộ do lưu lượng giao thông đông đúc, nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam ngày 3/8 cho biết:
Việc bảo trì cầu, đường bộ tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đầu tiên là thiếu về kinh phí. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong khi, theo nhu cầu thực tế, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 63/TTr-CĐBVN ngày 30/5/2023, kinh phí bảo trì năm 2024 cần khoảng 40.800 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí bảo trì hằng năm mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế.
Khó khăn thứ hai là thiếu về công nghệ (máy móc, thiết bị). Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều công trình cầu xây dựng với khẩu độ nhịp lớn, trụ cao,… áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đòi hỏi công tác bảo trì phải sử dụng các thiết bị máy móc chuyên dụng tiên tiến để có thể kiểm tra, phát hiện kịp thời các hư hỏng công trình cầu để kịp thời sửa chữa, khắc phục.
Bên cạnh đó, do yêu cầu về an toàn công trình cầu đòi hỏi rất cao, nên khi xảy ra các hư hỏng, sự cố công trình cầu, cần được phân tích, đánh giá nguyên nhân, để đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông và an toàn công trình. Thực tế này đòi hỏi cần có ý kiến tham gia chuyên sâu của đội ngũ chuyên gia.
Bảo trì đường bộ trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Hà Nam (Ảnh: Tạ Tôn) |
Để giải quyết khó khăn về kinh phí, Cục Đường bộ Việt Nam phải lựa chọn, ưu tiên sửa chữa những đoạn tuyến, những công trình cầu nằm trên tuyến huyết mạch, lưu lượng xe lớn như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh bị hư hỏng gây mất an toàn giao thông để thực hiện sửa chữa trước, những đoạn tuyến khác lưu lượng xe thấp, còn khai thác được sẽ thực hiện sửa chữa sau.
Còn về khó khăn liên quan đến công nghệ (máy móc, thiết bị), theo ông Thắng, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường hợp tác với các tổ chức, các công ty lớn, uy tín trên thế giới để mua máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác bảo trì cầu.
Đối với các công trình cầu xây ra hư hỏng, sự cố phức tạp, đơn vị tổ chức các cuộc họp, hội thảo mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cầu ở các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, lấy ý kiến đóng góp để lựa chọn phương án sửa chữa tối ưu.
Đối với những trường hợp cần xử lý gấp, có thể mời các chuyên gia kiểm tra hiện trường, nghiên cứu hồ sơ để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp sửa chữa kịp thời, đảm bảo tiến độ dự án./.