“Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”
(ĐCSVN) – Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Cục sẽ tập trung nguồn nhân lực xây dựng Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” thuộc Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040 để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2021.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thủy Nguyễn |
Ngày 6/7, tại Hà Nội, Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Minh Quang, Chánh Văn phòng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, Cục đã tích cực xây dựng Thông tư ban hành định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng cập nhật cơ sở dữ liệu viễn thám, chủ động xây dựng nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chiến lược viễn thám quốc gia “Đề án Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2021; xây dựng 2 tiêu chuẩn kỹ thuật “viễn thám quang học đa phổ - Ảnh viễn thám độ phân giải cao và siêu cao”, “viễn thám quang học đa phổ - Siêu dữ liệu viễn thám”.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thám quốc gia đã công bố sơ đồ thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám VNREDSat-1 từ tháng 1 đến tháng 5 trên trang thông tin điện tử của Cục; xây dựng được 6 đơn hàng định kỳ, tổng số cảnh ảnh thu được là 2535 cảnh ảnh (tương đương với khoảng 1268 cặp cảnh ảnh toàn sắc và đa phổ), trong đó số cảnh ảnh sạch (có độ che phủ mây nhỏ hơn hoặc bằng 10%) là 443 cảnh (tương đương với 222 cặp cảnh ảnh toàn sắc và đa phổ), chiếm tỉ lệ 17.5% trên tổng số cảnh thu được.
Cục chủ động phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh ứng dụng viễn thám ở địa phương, thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về viễn thám và làm việc về kế hoạch thực hiện Chiến lược viễn thám tại các tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn, Lào Cai, Cao Bằng. Tổng hợp các kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn năm 2040” của UBND các tỉnh, thành phố.
Cục đã triển khai các dự án “Tăng cường năng lực giám sát tài nguyên môi trường cho Cục Viễn thám quốc gia tại số 79 Văn Tiến Dũng”, “Xây dựng trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ sử dụng viện trợ của Quỹ ASEAN -Ấn Độ, “Dự án hợp tác giữa Việt Nam và Italia xây dựng hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh vệ tinh radar COSMO-SkyMed của Italia”,…
Trong 6 tháng cuối năm 2021, Cục đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Nghị định về hoạt động viễn thám; tổ chức triển khai xây dựng đề án “Ứng dụng viễn thám phát triển kinh tế xã hội”, thuộc Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040. Tiếp tục hoàn thiện quy trình giám sát, giám sát nhanh bằng viễn thám.
Đặc biệt là chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp dịch vụ công về viễn thám được Bộ giao trong kế hoạch 2021 bảo đảm tiến độ và chất lượng đạt mục tiêu đề ra. Trong đó tập trung xây dựng Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” thuộc Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, Cục Viễn thám quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa triển khai nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng thời gian, tiến độ và chất lượng. Cục sẽ tập trung nguồn nhân lực, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” thuộc Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040 để Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2021.Cùng với đó là xây dựng, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục xây dựng, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời rà soát kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, đưa vào vận hành bộ chỉ số đánh giá trách nhiệm người đứng đầu, từ đó xác định rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu của từng bộ phận trong bộ máy của Cục./.