Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thích ứng với “trạng thái bình thường mới”

Thứ Ba, 12/10/2021 15:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đây được xem là chìa khóa quan trọng tiếp sức để các doanh nghiệp có thêm động lực đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2020 - 2025 trong “trạng thái bình thường mới” vừa tập trung chống dịch, vừa khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dù khó khăn do dịch bệnh, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 vẫn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm 

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là động lực then chốt đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19. Nhận thức được điều này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đầu tư, làm chủ công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều năm nay, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, khu công nghiệp Khai Quang luôn là một trong những doanh nghiệp điển hình của tỉnh Vĩnh Phúc trong ứng dụng khoa học nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2020 trở lại đây, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quyết tâm giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, Công ty đã chủ động đầu tư thêm trang thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ. Ngoài lắp ráp dây chuyền công nghệ dập nóng, cắt laser, dây chuyền dập lớn 1.200 tấn; sử dụng máy CNC - máy công cụ điều khiển bằng chương trình số cho sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, xe giải trí, gia công khuôn mẫu, hiện một số công đoạn dập, hàn linh kiện có kích cỡ lớn đã được rô bốt thực hiện với chất lượng đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam và nhiều nước như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Úc… Một trong những kết quả tích cực đạt được nhờ áp dụng dây chuyền công nghệ cao là năm 2020, TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 đã có tên trong số 55 doanh nghiệp tiêu biểu của cả nước đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia.

Ông Wu Tsong Wuu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 chia sẻ, để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” vừa tập trung chống dịch vừa khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu năm 2021 hoàn thành mục tiêu doanh thu tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2020, Ban Giám đốc công ty đã xây dựng định hướng chiến lược, mục tiêu kinh doanh cho từng giai đoạn, trong đó, trọng tâm là đổi mới công nghệ để cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thời gian tới, cùng với khẩn trương hoàn thiện nhà máy sản xuất mới tại khu công nghiệp Bá Thiện 2 có diện tích nhà xưởng khoảng 50.000m2, doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải tiến dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, rô bốt hóa một số công đoạn khó, nặng nhọc, có nguy cơ gây mất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động.

Là doanh nghiệp sản xuất, gia công và phân phối thương mại máy móc nông nghiệp, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty cổ phần BMC Vĩnh Phúc, Cụm kinh tế - xã hội Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường đã chủ động đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, cho ra đời những sản phẩm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp giải phóng sức lao động cho nông dân. Điển hình là sản phẩm bình phun thế hệ mới với ưu điểm chạy bằng động cơ điện, thao tác đơn giản, dễ sử dụng, thân thiện môi trường, giúp nông dân tiết kiệm thời gian, công sức. Sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019 và được nhiều khách hàng trong nước biết đến, tin tưởng lựa chọn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, không chỉ có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, sản phẩm bình phun thế hệ mới còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc với lượng tiêu thụ đạt 80.000 chiếc. Cùng với bình phun thế hệ mới, doanh nghiệp đã mở rộng hợp tác với một số công ty, doanh nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản, Thái Lan… để đầu tư thiết bị máy móc, chủ động nguồn nguyên liệu, sản xuất ra nhiều loại máy móc nông cụ hiện đại và phân bón vi sinh đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con nông dân.

Ông Vũ Văn Nhân, Giám đốc Công ty cổ phần BMC Vĩnh Phúc khẳng định, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Gần 2 năm qua, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, việc ứng dụng khoa học công nghệ lại càng được doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh, qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ “mục tiêu kép” vừa sản xuất vừa chống dịch, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm người lao động.

Bên cạnh sự chủ động từ phía doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo lực đẩy cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Trong đó, điểm nhấn là Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nhóm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ về vốn, công nghệ, cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại... Cùng với đó là các chương trình, kế hoạch được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao.

Tính riêng trong giai đoạn 2013 - 2020, toàn tỉnh có gần 20 doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ khoảng 53 tỷ đồng để thực hiện các dự án, đề tài ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ 30 doanh nghiệp thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ; hỗ trợ 79 doanh nghiệp xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng; tư vấn cho gần 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã được cấp 3 Bằng độc quyền sáng chế, 136 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 1.357 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa… Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ. Cụ thể, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp đang có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây, ngân sách Nhà nước phải đầu tư tới 70%, doanh nghiệp chỉ đầu tư 30% cho phát triển khoa học công nghệ thì hiện nay, tỷ lệ này là 50 - 50.

Mặc dù hiệu quả của việc phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ được nhìn thấy rõ trong ứng dụng vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, tuy nhiên, đến nay, việc thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn nhiều rào cản khiến số doanh nghiệp được hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Hiện toàn tỉnh mới có khoảng 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua máy móc, thiết bị hiện đại, trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn lực hạn chế.

Để giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cùng với chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo, thuê chuyên gia hướng dẫn vận hành, sản xuất sản phẩm theo công nghệ mới; hỗ trợ 50% kinh phí hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đồng thời, tiếp tục có cơ chế hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay vốn để thực hiện dự án ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học công nghệ nhằm cải tiến, đổi mới công nghệ, sử dụng tối đa hiệu suất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đến 50% kinh phí để phát triển tổ chức trung gian của thị trường công nghệ thực hiện các nội dung xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ; tra cứu, thu thập và cung cấp thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, chuyên gia công nghệ, nhu cầu công nghệ...

Đây được xem là chìa khóa quan trọng tiếp sức để các doanh nghiệp có thêm động lực đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2020 - 2025 trong “trạng thái bình thường mới” vừa tập trung chống dịch, vừa khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Bích Phượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN