Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ứng dụng khoa học phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 14/06/2024 11:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vùng ĐBSCL ngày càng gắn thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả vùng.

Sáng 14/6, tại tỉnh Bến Tre, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ XXVII.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của các tỉnh trong vùng giai đoạn 2022 - 2024; thảo luận, trao đổi triển khai nhiệm vụ, giải pháp KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TL.

Công tác quản lý lĩnh vực KH&CN ngày càng hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, mục tiêu xây dựng vùng ĐBSCL phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng; đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả nước.

Xuất phát từ đặc điểm, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức đan xen của vùng ĐBSCL, ngày 02/04/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13, trong đó xác định rất rõ mục tiêu phát triển, thể hiện khát vọng và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động.

Bộ trưởng khẳng định, nhìn lại chặng đường vừa qua, hoạt động KHCN&ĐMST của các tỉnh, thành phố trong Vùng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã được ban hành và đi vào thực tiễn; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển nhanh; nhiều giải pháp về KH&CN ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu được tổ chức triển khai,….

“Có thể nói, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã ngày càng gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả vùng. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN cũng được triển khai đồng bộ và ngày càng hiệu quả”, Bộ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, KHCN&ĐMST vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa để thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương và cả Vùng.

Bứt phá, phát triển mạnh mẽ, tăng tiềm lực của tỉnh Bến Tre

Tại sự kiện, đồng chí Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre vẫn phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giá cả và thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản thiếu ổn định... Với phương châm “Dân chủ-Kỷ cương-Đồng thuận-Sáng tạo-Phát triển” và sự nỗ lực phấn đấu, các cấp ủy, tổ chức đảng năm 2023, tỉnh Bến Tre đã đạt và vượt 15/24 chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng cho biết, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng trong thời gian qua, Bến Tre cũng như một số tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách phát triển khoa học và công nghệ nói riêng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nghị giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XXVII. Ảnh: TL

Trong năm 2023, với thông điệp “Xây dựng chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân, đồng hành với doanh nghiệp”, ngành KHCN tỉnh Bến Tre đã thực tốt các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra và đã đạt nhiều kết quả ngày càng rõ nét, tích cực và tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh, khu vực và cả nước, là động lức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: Ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã góp phần đưa Bến Tre giữ vị trí 7 trong bảng xếp hạng PCI cả nước và đứng thứ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long; Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 37%; là tỉnh có 09 Chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm đầu của cả nước về bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật nêu trên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng hiểu rất rõ những mặt yếu kém đang cản trở sự phát triển của KH&CN tỉnh, trong đó có việc chậm đổi mới tư duy trong quản lý hoạt động KH&CN của một số cơ quan quản lý và ngay trong đội ngũ cán bộ KH&CN; các chính sách còn thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa. Ngoài ra, những thách thức to lớn của cuộc CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ; tình hình thế giới vẫn đang diễn ra phức tạp và khó đoán định... “Do đó, đòi hỏi KH&CN Bến Tre phải có những bứt phá, phát triển mạnh mẽ, tăng cường tiềm lực đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre  cho biết.

Báo cáo tham luận tại Hội nghị, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa và nông sản hàng đầu của Việt Nam xảy ra tình trạng xâm nhập mặn sớm, kéo dài và trên diện rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Một giải pháp hợp lý và kịp thời để giải quyết nhu cầu cấp bách về nước ngọt cho người dân là ứng dụng công nghệ khử mặn hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường từ các nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí thấp và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra, việc chuyển hóa phụ phẩm nông nghiệp thành carbon xốp làm điện cực cho thiết bị khử mặn nước tưới tiêu tại đồng bằng sông Cửu Long là giải pháp khoa học góp phần ứng phó hạn mặn đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản và đóng góp vào công tác cố định carbon thông qua quá trình chuyển hóa sinh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ về việc triển khai nội dung tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KHCN&ĐMST của vùng giai đoạn 2022-2024, định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; trong đó tập trung trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình trạng hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL…/.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN