Ứng dụng công nghệ mới trong giám định AND hài cốt liệt sĩ
(ĐCSVN) – Trung tâm giám định ADN sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất, cải tiến, ứng dụng công nghệ mới vào công tác giám định và tăng cường hợp tác đào tạo, gửi cán bộ tiếp nhận công nghệ, tham gia công tác giám định AND từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á.
PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: BL |
Chiều 12/7, Viện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Thực hiện 800 đợt tách chiết ADN
Tại cuộc họp báo, PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, tính từ năm 2019 đến nay, Trung tâm giám định ADN phát triển 13 quy trình phân tích ADN từ mẫu xương lâu năm.
Trung tâm thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỷ lệ tách thành công và bàn giao đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Viện đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình mẫu và 2 quy trình giám định ADN thường quy, tức là cải tiến trên nền tảng công nghệ cũ vốn được công nhận và áp dụng. Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện quy trình thay thế phục vụ công tác giám định.
PGS.TS Phí Quyết Tiến cũng cho biết, trước đây các đơn vị đang sử dụng công nghệ giám định ADN cho mẫu hài cốt liệt sĩ dựa trên phân tích ADN ty thể. Tuy nhiên với chất lượng mẫu ngày càng khó khăn, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ứng dụng giám định công nghệ ADN ty thể vào quy trình giám định thường quy.
Nhưng nay xu hướng thế giới với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại với máy giải trình tự gene thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, việc giám định ADN từ mẫu xương cổ được phân tích theo gene nhân sử dụng công nghệ mới.
Ứng dụng công nghệ mới về khai thác ADN xương cổ được phối hợp Viện khảo cổ học nhằm xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại vài trăm năm đến nghìn năm. Đây là cơ sở tiếp tục phát triển giám định mẫu ADN xương cổ các liệt sĩ có thời gian chôn lấp đưa vào giám định từ 40-80 năm.
Chia sẻ về dự án ODA về tăng cường năng lực giám định ADN hài cốt liệt sĩ theo công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới (NGS) được tiến hành giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ủy ban Quốc tế về Người mất tích, PGS.TS Phí Quyết Tiến cho biết: Để triển khai, Viện cử đoàn công tác mang 100 mẫu hài cốt liệt sĩ sang Hà Lan triển khai tách chiết ADN nhân và giám định ADN.
Trong giai đoạn tới, Trung tâm sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất trên cơ sở tiếp nhận máy giải trình thế hệ mới tài trợ, cải tiến, ứng dụng công nghệ mới vào công tác giám định, nghiên cứu tối ưu thử nghiệm phương pháp khác nhau. Bên cạnh đó, Viện cũng tăng cường hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, gửi cán bộ tiếp nhận công nghệ, tham gia công tác giám định từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á.
Làm chủ công nghệ chế biến sâu khoáng sản đất hiếm
Thông tin về việc phát triển đất hiếm tại Việt Nam, PGS.TS Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho biết, thời gian qua, nhằm thúc đẩy công tác kết nối hợp tác, chuyển giao công nghệ và quảng bá sản phẩm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai các hợp tác khoa học và công nghệ với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Trong đó, đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ về phát triển và làm chủ công nghệ chế biến sâu khoáng sản đất hiếm và các nhiệm vụ về công nghiệp sinh học, công nghiệp thực phẩm.
PGS.TS Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: BL |
PGS.TS Hoàng Anh Sơn cho hay, quá trình chế biến quặng đất hiếm lý tưởng nhất là đạt đến sản phẩm có giá trị tăng cao. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào trình độ công nghệ và khả năng đầu tư, có thể thực hiện từng giai đoạn một.
Tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghiên cứu đất hiếm theo hướng phân chia bằng phương pháp trao đổi ion và sau đó, nghiên cứu phát triển công nghệ chiết đất hiếm đã được thực hiện từ rất sớm.
Thông tin về các kết quả nghiên cứu về công nghệ tuyển, chế biến đất hiếm tại các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, PGS.TS Hoàng Anh Sơn cho biết: Viện Công nghệ xạ hiếm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quá trình nghiên cứu liên tục với đầy đủ các giai đoạn chế biến: Tuyển, thủy luyện, phân chia tinh chế thực hiện trên các đối tượng quặng ở Việt Nam. Nổi bật là việc xây dựng sơ đồ tuyển tinh quặng đất hiếm Yên Phú hàm lượng 30%, đất biển Đông Pao hàm lượng 35-38%.
Đối với đất hiếm Lai Châu, PGS.TS Hoàng Anh Sơn cho rằng, tất cả các công trình nghiên cứu từ trước đến nay đều dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm hoặc pilot, một số vấn đề về thuốc tuyển vẫn chưa giải quyết được nên chất lượng tuyển không cao, chất lượng quặng đất hiếm cuối cùng không được như mong muốn (hàm lượng và tỷ lệ thực thu đất hiếm, hàm lượng các tạp chất có hại đi cùng).
Đến nay chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm Việt Nam ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hàm lượng tổng oxit đất hiếm phải đạt tối thiểu từ 95% trở lên. Đối với công nghệ phân chia riêng rẽ oxit đất hiếm và làm sạch đến độ sạch cao, mặc dù đã có nghiên cứu từ rất sớm nhưng phần lớn mới triển khai trong phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế.
"Trong thời gian qua có nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm, nghiên cứu và bày tỏ quan điểm muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm. Tuy nhiên, phải thấy rằng chỉ số ít nhà sản xuất tại các quốc gia này có công nghệ chế biến sâu đất hiếm nhưng giữ bản quyền, bí mật và không chuyển giao công nghệ. Công nghệ chế tạo kim loại đất hiếm, tạo ra các nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm cho ngành xe điện, điện gió, công nghiệp quốc phòng,... đòi hỏi ở một trình độ công nghệ rất cao", PGS.TS Hoàng Anh Sơn chia sẻ./.