Ứng dụng công nghệ đề ra giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
(ĐCSVN) – Ngành KH&CN tiếp tục tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để đề ra giải pháp phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19; phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số…
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đề ra trong thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, thời gian qua, điều khiến cho những nỗ lực của ngành KH&CN chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là những vướng mắc trong chính cơ chế chính sách, nhất là vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đó là, tỉ trọng chi cho hoạt động này chưa thực sự hợp lý, chi đầu tư còn thấp, chi thường xuyên cao. Mức chi cho một số nhiệm vụ KH&CN phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa tới ngưỡng.
Điểm nghẽn thứ 2 là các nhà quản lý, về tâm lý, vẫn chưa chấp nhận rủi ro và chưa tin tưởng người làm nghiên cứu. Do đó, trên thực tế, không chỉ việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước gặp khó khăn mà cả trong quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu và tài sản hình thành qua các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước đều gặp lúng túng.
Do đó, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp quản lý, chấp nhận rủi ro để thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên KH&CN.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp như hiện nay thì một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là đề cao tính minh bạch, khách quan trong quản lý các đề tài và nhiệm vụ KH&CN các cấp. Vì vậy, Bộ KH&CN đang rà soát và sửa đổi các quy định về xét duyệt, quản lý và đánh giá các nhiệm vụ KH&CN theo hướng công khai, minh bạch, khách quan cùng với đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ, trong phòng chống dịch COVID-19, Bộ KH&CN sẽ chủ động bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phòng, chống COVID-19, tập trung nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine và thuốc điều trị; tạo thuận lợi cho hoạt động đăng ký chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine; cung cấp thông tin KH&CN, tiêu chuẩn kỹ thuật kịp thời phục vụ hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 hướng tới năm 2030 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và phát huy tối đa thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học. Đẩy nhanh thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường liên kết mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Bộ KH&CN cũng tập trung giải quyết vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ, sử dụng hiệu quả quỹ cho hoạt động đổi mới công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu KH&CN, giải mã công nghệ, mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai các giải pháp để thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho KHCN và đổi mới sáng tạo.
Đổi mới cơ chế, tạo điều kiện cho nhà khoa học, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ; thúc đẩy hợp tác công-tư trong triển khai dự án công nghệ quy mô lớn.
Đồng thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, thúc đẩy thương mại hóa và nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu KH&CN vào ứng dụng trong thực tế.
Trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ cải thiện các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần được giao chủ trì cải thiện Bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); thực hiện nhiệm vụ đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO). Năm 2022, phấn đấu "Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia" của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN, đồng thời tạo nền tảng để đến năm 2025 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu thế giới.
Về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá; tiếp tục xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với khu vực và quốc tế; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất và chất lượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường thực thi có hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết…Đồng thời, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Phát huy hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển KH&CN quốc gia để đẩy mạnh hoạt động KHCN&ĐMST. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng năm lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Cùng với đó, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ; thẩm định, có ý kiến về nội dung KH&CN của dự án đầu tư, quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng./.