Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ứng biến kịp thời trước biến động của thị trường trong nước và thế giới

Thứ Năm, 06/06/2024 18:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản.

 Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: TL)

Ngày 6/6, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 ( Vietnam Wealth Advisor Summit 2024 ) với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, mặc dù xu hướng phục hồi là tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế. 

Hiện tại, các nền kinh tế lớn đang đứng trước nhiều lựa chọn chính sách khác nhau về những vấn đề toàn cầu và trong nước. Các yếu tố này đã tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng của các nước đang phát triển, khiến công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn. 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, xu hướng gần đây, một số nước đã triển khai các gói kích thích kinh tế mới, bao gồm cả chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp như bán dẫn, AI… Điều này cũng làm gia tăng thêm sức ép cạnh tranh, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực.

Tương tự như vậy, áp lực lạm phát, tỷ giá cũng đang gia tăng; sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; cầu tiêu dùng vẫn tăng thấp… Thị trường bất động sản dù có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý; tăng trưởng tín dụng chưa cao, 5 tháng mới đạt 2,41%, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn... Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập…

Ngoài ra, Thứ trưởng cho rằng còn các vấn đề liên quan đến niềm tin của thị trường; sự e ngại, thận trọng của xã hội, thậm chí là tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm triệt để, còn rườm rà, ách tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn 

“Khó bên ngoài khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế là rất lớn. Với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản. Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nghĩa là chúng ta phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”, Thứ trưởng nhận định.

Để ứng biến với nhiều tác động từ thị trường hiện nay tại diễn đàn các đại biểu, chuyên gia kinh tế, đã phân tích đánh giá cụ thể những thách thức và cơ hội trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.

TS, Cấn Văn Lực chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, trong bối cảnh hiện nay các nhà đầu tư đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức. 

Theo phân tích của TS, Cấn Văn Lực, kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng (dự báo có thể tăng khoảng 2,7% năm 2024, 2,8% năm 2025) cùng với những thách thức liên quan đến xung đột địa chính trị phức tạp. Lạm phát và lãi suất cao, đà phục hồi chậm lại ở một số nước, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu nhưng các động lực tăng trưởng đang phục hồi. Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên. 

Bên cạnh đó, các thách thức như du lịch (nhất là quốc tế) phục hồi mạnh nhưng chi tiêu còn ít; sản xuất công nghiệp phục hồi từ tháng 5/2023, tuy nhiên chưa vững chắc; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn chủ yếu do vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh; vốn đầu tư tư nhân còn thận trọng; thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhưng còn chậm; Thể chế cho các lĩnh vực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn….) còn chậm ban hành …

Mặc dù vậy, rủi ro tài khóa  trong đó có nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ ở mức trung bình. Dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, điều này làm giảm bớt áp lực cho chính sách tiền tệ. Trong khi đó, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất giảm. Tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát và thị trường chứng khoán tăng khá. Thị trường bất động sản cũng đang dần phục hồi.

Những yếu tố nêu trên cùng với xu thế kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… tiếp tục được đẩy mạnh đang cùng thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh. Trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn.

TS, Cấn Văn Lực cho rằng, những yếu tố trên cho thấy hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý nhà đầu tư cần phải biết khẩu vị rủi ro của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý FOMO, chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ “chuyên môn” của các trung gian tài chính khác.

Chia sẻ tại Diễn đàn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã chỉ ra điểm khác biệt cơ bản trong cách thức điều hành kinh tế xã hội của năm 2024 khi mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng được đặt lên, trong khi năm 2023 đặt quá nhiều trọng tâm vào kiểm soát kinh tế vĩ mô.  

Về các biến số ở thời điểm hiện tại, ông Hiếu nhấn mạnh thị trường và thể chế là hai trong “vạn biến” cần nhận biết.

“Việc của các doanh nghiệp do đó cần chuẩn bị cho kịch bản. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thay đổi về cách tiếp cận trong vạn biến với tâm thế chủ động và chấp nhận cuộc chơi, từ việc tuân thủ thế chế hiện tại cho đến việc chuẩn bị và sẵn sàng cho thay đổi thể chế trong tương lai.”, ông Hiếu nhận định.

Với 2 phiên thảo luận chuyên sâu, các diễn giả tham dự Diễn đàn đã thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh Doanh nghiệp Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 25 đơn vị, đó là các tổ chức đã có nhiều đóng góp thông qua các chiến lược phát triển các dịch vụ tài chính vì cộng đồng, cũng như tham gia công tác chuyên môn, tổ chức cho Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024.

Diễn đàn năm nay cũng trao 35 cúp vinh danh cho các tổ chức đạt sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu với 6 hạng mục. Đó là, Dịch vụ khách hàng ưu tiên tiêu biểu; Dịch vụ môi giới tài chính tiêu biểu; Dịch vụ quản lý tài sản đầu tư tiêu biểu; Sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu; Giải pháp tài chính cá nhân sáng tạo; Nhà phát triển bất động sản có giải pháp tài chính toàn diện.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN