Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ukraine xuất khẩu 3,3 triệu tấn nông sản, kim loại qua hành lang mới ở Biển Đen

Thứ Sáu, 10/11/2023 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 9/11, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết, 91 tàu đã xuất khẩu 3,3 triệu tấn nông sản và kim loại thông qua hành lang xuất khẩu mới trên Biển Đen kể từ khi hành lang này bắt đầu hoạt động vào tháng 8.

 Các tàu vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen đang chờ kiểm tra tại Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Nga tuyên bố chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7 vừa qua, Ukraine thông báo thiết lập “hành lang nhân đạo” dọc theo bờ biển phía Tây Biển Đen, gần Romania và Bulgaria, để mở đường cho các tàu chở hàng bị mắc kẹt tại các cảng của nước này đến thị trường châu Phi và châu Á.

Theo ông Kobrakov, giao thông hàng hải theo cả hai chiều đến và đi vẫn diễn ra bình thường tại các cảng của vùng Odessa. Phó Thủ tướng Ukraine cho biết, 6 tàu chở theo 231.000 tấn nông sản đã rời các cảng ở vùng Odessa và đang hướng tới eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, ông Kobrakov cũng thông báo 5 tàu đang chờ vào cảng nhận hàng. Phó Thủ tướng Ukraine nhấn mạnh hành lang mà nước này mới thiết lập ở Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc (sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen) vẫn đang hoạt động tốt.

Số liệu do Hiệp hội Doanh nghiệp Ukraine (UCAB) công bố đầu tháng 11 cho thấy, xuất khẩu nông sản của quốc gia này đã tăng 15% lên 4,8 triệu tấn trong tháng 10 nhờ vào hành lang mới.

Trước đó, ngày 17/7 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chấm dứt hiệu lực do phần thỏa thuận liên quan đến Nga đã không được thực hiện.

"Quyết định của Nga khi dừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ làm nghiêm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người là đối tượng dễ tổn thương trên thế giới", ông Adam Hodge, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong một báo cáo cho hay.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian được ký kết vào tháng 7/2022 giữa Nga và Ukraine, với mục đích nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, vốn bị chặn bởi cuộc xung đột, một cách an toàn. 

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, cho đến nay, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được gia hạn 3 lần nhưng Nga nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng nước này bị cản trở xuất khẩu các sản phẩm của mình./.

H.Hà (Theo Reuters, Financial Times)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN