Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga

Thứ Sáu, 25/02/2022 21:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ukraine muốn hòa bình và sẵn sàng đàm phán với Nga, bao gồm cả về lập trường trung lập liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các nước kêu gọi hai bên kiềm chế, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak  cho biết, Ukraine muốn hòa bình và sẵn sàng đàm phán với Nga (Ảnh: TTXVN)

Tuyên bố trến được cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đưa ra ngày 25/2 trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine. Ông Podolyak nêu rõ, nếu có khả năng, hai bên nên tổ chức các cuộc đàm phán. Ông cũng để ngỏ khả năng sẵn sàng đàm phán với Nga về lập trường trung lập nếu Moskva muốn điều này. Ông nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng đối thoại của Ukraine là một phần trong nỗ lực bền bỉ “theo đuổi hòa bình”.

Trước đó, trong phát biểu ngày 24/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga không loại trừ khả năng đối thoại Ukraine nếu như Kiev sẵn sàng. Điện Kremlin thông báo đã lưu ý việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẵn sàng thảo luận về khả năng cam kết trung lập của Kiev, song cho biết Moskva hiện chưa thể nói gì về cuộc đàm phán có thể diễn ra giữa lãnh đạo hai nước này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Nga sẽ xem xét lời đề nghị của Tổng thống Zelensky, đồng thời nhấn mạnh kỳ vọng của Moskva đối với Kiev vẫn không thay đổi.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Moskva sẵn sàng đối thoại với Kiev vào mọi thời điểm với điều kiện binh sĩ Ukraine chịu hạ vũ khí. Ông Lavrov nhấn mạng Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine và mục đích của chiến dịch quân sự này là nhằm phi quân sự hóa Ukraine và bảo vệ dân thường ở miền Đông Ukraine.

 Moskva lâu nay vẫn yêu cầu những sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc cho phép liên minh quân sự này triển khai quân đội và vũ khí trên lãnh thổ quốc gia Đông Âu này.

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình tại Ukraine, ngày 25/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Nga đàm phán với Ukraine. Ông nêu rõ: "Tình hình ở miền Đông Ukraine đã có những thay đổi nhanh chóng... Trung Quốc ủng hộ Nga và Ukraine giải quyết vấn đề thông qua đối thoại".    

Cũng trong ngày 25/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ông sẵn sàng làm trung gian giữa Nga và Ukraine để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn. Ông Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên của phương Tây điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.

 Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moskva ngày 24/2, Thủ tướng Pakistan Imran Khan bày tỏ quan ngại về tác động kinh tế của tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine đối với các nước đang phát triển. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Khan nhấn mạnh xung đột không có lợi cho bất kỳ bên nào và các nước đang phát triển luôn phải chịu tác động kinh tế nghiêm trọng nhất khi xung đột xảy ra.

 Thủ tướng Khan là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gặp Tổng thống Putin kể từ khi ông tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass, miền Đông Ukraine. Thủ tướng Pakistan đến thủ đô Moskva chỉ vài giờ trước khi chiến dịch diễn ra và đây là chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước.

Trước những diễn biến tại Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hoà bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới.

Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân”./.

KG (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN