Tuyên truyền phòng, chống tham nhũng phải đảm bảo thực chất, đúng đối tượng
(ĐCSVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng cần tính đến điểm đặc thù của loại tội phạm vi phạm pháp luật này; phải đầu tư hình thức phù hợp để đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp, có trọng tâm.
Ngày 15/9, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực. Tuy nhiên, công tác này còn có những hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra. Tình trạng trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, thời gian thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn xảy ra ở một số địa phương. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng còn chậm, một số vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá... Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế. Kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chưa cao, nhất là đối với số phải thi hành về tiền.
Thảo luận về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay, dù các cấp, các ngành đã kiên quyết xử lý, nhưng tội phạm tham nhũng vẫn còn gia tăng và diễn biến phức tạp, số vụ việc, số bị can đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Các đại biểu đề nghị đánh giá sâu sắc hơn nguyên nhân của sự gia tăng này là do sơ hở trong quy định của pháp luật, hay do công tác tổ chức thi hành pháp luật, hay do nhận thức của cán bộ, để từ đó có định hướng, những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Có ý kiến đề nghị báo cáo nhấn mạnh hơn đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Đây là một lực lượng hết sức quan trọng, chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng trong chính các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, cần tính đến điểm đặc thù của loại tội phạm vi phạm pháp luật này. Đối tượng vi phạm ở đây chủ yếu là những cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn, nên thực tế nhận thức của họ không hẳn là thấp. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật này cần phải đầu tư hình thức phù hợp để đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp, có trọng tâm.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tập trung quản lý công tác truyền thông và định hướng dư luận xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện tốt công tác công khai thông tin, nhất là các thông tin chế độ, chính sách về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, v.v. để hạn chế những cơ hội mà người dân không nắm rõ thông tin, dễ phát sinh bất cập. Đồng thời, đề nghị đề cao hơn nữa yếu tố phòng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với loại tội phạm này để có thể ngăn chặn, không phải là chờ đến khi hành vi xảy ra rồi mới xử lý.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong khối nội chính, khối tư pháp, công tác của ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan của Chính phủ có liên quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn so với các năm trước.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu, cập nhật số liệu đủ 12 tháng để báo cáo với Quốc hội và gửi Ủy ban Tư pháp để thẩm tra, đồng thời chuẩn bị các báo cáo tóm tắt để trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra; phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; chủ trì phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về nội dung này./.