Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm về quân đội nhân dân và quốc phòng toàn dân trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả

Thứ Hai, 14/10/2024 15:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hướng dẫn số 160-HD/BTGTW ngày 25/7/2024 về tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), Ban Tuyên giao Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối tổ chức các hình thức tuyên truyền, kỷ niệm bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế.

 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời ngày 22/12/1944 (Ảnh tư liệu)

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông” để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10/1930) xác định nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền, trong đó chỉ rõ phải: “Lập quân đội công nông”.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Quân đội ta sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc (Ảnh: PV)

Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, cùng Nhân dân ta nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân xâm lược. Cuối năm 1946, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chia thành 12 chiến khu. Lúc này, ở Nam Bộ vẫn tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn và một số tiểu đoàn thuộc các chiến khu; hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được thành lập từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ.

Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn một vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch phản công (7/10 - 20/12/1947), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước.

Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 ra đời; ngày 10/3/1950, Đại đoàn 304 được thành lập. Công tác huấn luyện được đẩy mạnh.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, chủ động tấn công Pháp. Sau gần một tháng (16/9 - 14/10/1950), ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới.

Tháng 11/1951, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hoà Bình; vừa tập trung chủ lực trên mặt trận chính Hoà Bình, vừa đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Chiến dịch diễn ra từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/2/1952; quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch ở mặt trận Hòa Bình và hơn 15.000 tên địch ở mặt trận địch hậu.

Đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Sau gần hai tháng chiến đấu (14/10 - 10/12/1952), ta đã tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.

Trước những thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường. Ta đã hình thành năm đòn tiến công chiến lược tại Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi.

Sau khi thực dân Pháp đổ quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, trước thời cơ thuận lợi, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng.

Đến năm 1960, Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành Quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân.

Từ năm 1961, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Được cố vấn Mỹ chỉ huy và dựa vào hỏa lực Mỹ chi viện, ngụy quân Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá vùng giải phóng, gom dân lập “ấp chiến lược”. Quân và dân ta đã liên tục chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Trong đó, tiêu biểu là chiến thắng Ấp Bắc (1/1963) mở đầu cho sự thất bại của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của quân ngụy Sài Gòn; đồng thời mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” sôi nổi khắp miền Nam.

Trên cơ sở những thắng lợi trong năm 1963 và đầu năm 1964, tháng 10/1964, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông Xuân 1964 - 1965, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, mở rộng vùng giải phóng. Sau các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài của ta giành thắng lợi, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ hoàn toàn bị phá sản.

Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân chiến đấu của Mỹ và đồng minh cùng khối lượng lớn phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam, đồng thời củng cố và tăng cường quân ngụy.

Mùa khô 1965 - 1966, đế quốc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất trên chiến trường miền Nam. Qua nửa năm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, quân và dân miền Nam đã đánh bại cuộc phản công của địch. Sau những thắng lợi quan trọng của cách mạng miền Nam, tháng 1/1968, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị (12/1967), quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai (chiến dịch Linebacker I) với quy mô lớn, ác liệt hơn lần trước. Với tinh thần dũng cảm và cách đánh mưu trí, sáng tạo, qua 7 tháng chiến đấu quyết liệt, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 654 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 125 tàu chiến Mỹ.

Trước những thất bại nặng nề, đêm 18/12/1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất mang tên “Chiến dịch Linebacker II” đánh phá miền Bắc, tập trung ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Một lần nữa quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, đánh bại cuộc tập kích chiến lược của địch; bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111. Bị tổn thất lớn và không đạt mục đích, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại cuộc đàm phán ở Paris.

Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, cùng với Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), rút quân về nước. Tuy nhiên, ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn. Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong hai năm 1973 - 1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3/1975, quân ta tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Tiếp đó, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.

Sau khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra được một ngày, ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị Thiên - Huế, giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Phát huy thắng lợi, từ ngày 26/3 - 29/3/1975, quân ta mở chiến dịch Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An. Phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, bộ đội ta tiến công giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên (1/4), Khánh Hòa (3/4)…

Từ những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng, do các Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) đảm nhiệm. 17 giờ ngày 26/4, chiến dịch bắt đầu. Sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt đánh chiếm vòng ngoài thắng lợi, sáng 30/4, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt; 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Song song với các cuộc tiến công trên bộ giành thắng lợi, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo, bất ngờ tiến công lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tự hào truyền thống anh hùng, vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: PV) 

Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 2024)

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, các đơn vị Quân đội đứng chân trên các vùng mới được giải phóng đã phối hợp với Ủy ban quân quản các cấp, khẩn trương xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức cải tạo binh lính cảnh sát của bộ máy chính quyền cũ, trấn áp các phần tử và tổ chức phản động,… Đồng thời, các đơn vị đã tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm trên mọi miền đất nước.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, Quân đội ta lại phải tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Cũng đầu năm 1979, quân và dân ta phải chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu diễn ra trong thời gian ngắn (17/2 - 6/3/1979), nhưng trên thực tế tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng kéo dài đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trong cuộc chiến đấu này, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc.

Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Trong những năm 1980 - 1986, Quân đội ta đã đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo, xây dựng nền nếp chính quy; tích cực tham gia xây dựng kinh tế, xã hội. Toàn quân đã tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn với nhiều binh khí kỹ thuật hiện đại trên các địa bàn chiến lược, góp phần rèn luyện, nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy của cán bộ và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.

Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đến nay, Quân đội cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta; qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN