Tuyên Quang: Phát huy vai trò người uy tín xây dựng quê hương
(ĐCSVN) - Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã làm tốt vai trò là “cầu nối” đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu.
Giữ chữ“tín” với đồng bào
Ông Ma Văn Đoán, dân tộc Tày, Trưởng thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả (Na Hang) |
Ông Ma Văn Đoán, dân tộc Tày, Trưởng thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả (Na Hang) đã có gần 20 năm gắn bó với các cương vị Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, là đại biểu HĐND xã đã 4 khóa. Gánh vác nhiệm vụ nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó, được cấp ủy chính quyền địa phương tin trưởng, nhân dân yêu mến.
10 năm qua, ông Đoán đều được UBND tỉnh công nhận là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín, tiếng nói có trọng lượng của mình, ông đã vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn cao song những năm qua, ông Đoán đã vận động xã hội hóa thực hiện hiệu quả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông đã vận động nhân dân hiến 0,6 ha đất làm đường bê tông liên thôn, được hơn 2,6 km; huy động nhân dân đóng góp hàng chục triệu đồng, hàng trăm ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Riêng từ năm 2020, nhân dân của thôn đã đóng góp 10 triệu đồng làm sân chơi ngoài trời cho trẻ; phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới xây dựng đập tưới tiêu tổng kinh phí 89,85 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 50 ngày công; đóng góp 300 ngày công vận chuyển cấu kiện để làm 1.230 m kênh mương nội đồng. Nâng cao chất lượng tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ông Đoán đã vận động được các hộ xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đạt được tỷ lệ 92,89%. Ông và tổ hòa giải thôn hòa giải thành công 27 vụ việc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thôn có 55 hộ nghèo, 57 hộ cận nghèo, chiếm 66,27%. Luôn trăn trở với cái nghèo của thôn, ông đã cùng chi bộ vận động đảng viên, nhân dân phát triển kinh tế. Cả thôn tận dụng đất sản xuất, không cho đất nghỉ, tập trung phát triển đàn trâu, bò, lợn; vận động trên 80 công dân đi lao động xuất khẩu tại các khu công nghiệp, chế xuất trong nước. Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm từ 55 xuống còn 36 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm. Chi bộ hiện không có hộ đảng viên nghèo, đảng viên là hộ cận nghèo chỉ còn 8 hộ.
Ông Đoán chia sẻ “Để giữ vững uy tín với nhân dân, người đảng viên phải luôn luôn gương mẫu với lời nói, việc làm; tâm huyết, trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”.
Trưởng thôn miệng nói, tay làm
Ông Triệu Văn Ngô, sinh năm 1956 làm Trưởng thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) |
Hơn 20 năm người dân Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) tín nhiệm bầu ông Triệu Văn Ngô, sinh năm 1956 làm Trưởng thôn. Điều đó chứng tỏ uy tín của vị trưởng thôn này.
Đã có lúc ông xin nghỉ để nhường cho lớp trẻ có năng lực, học hành bài bản hơn, nhưng dân nhất quyết không nghe. Cuối cùng nêu gương vai trò đảng viên, ông tiếp tục làm Trưởng thôn để tiếp tục công việc xây dựng nông thôn mới ở quê hương.
Thôn Khuổi Hóp có 43 hộ, 189 nhân nhẩu người Pà Thẻn. Đây là dân tộc thiểu số có dân số ít ở Tuyên Quang. Hiện tại trên địa bàn thôn có một bia di tích nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng bí mật 1939-1945. Và ông nội của ông Triệu Văn Ngô là Triệu Văn Vụ đã tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng tại nhà riêng. Thời kỳ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần 2 của Đảng tại xã Kim Bình năm 1951, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương có đi qua tuyến đường thôn Pắc Hóp, Khuổi Hóp, xã Linh Phú để sang xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn. Ghi nhớ những kỷ niệm thiêng liêng đó, người dân thôn Khuổi Hóp hôm nay luôn đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Qua rà soát, đến nay Khuổi Hóp chỉ còn 3 hộ nghèo. Ông Ngô đã vận động nhân dân phát triển kinh tế rừng, mỗi nhà từ 1-5ha và nuôi kèm thêm vài con gia súc, hàng chục hàng trăm con gia cầm. Chương trình làm nhà văn hóa, đường bê tông, kênh mương nội đồng, đưa điện lưới quốc gia được đưa ra bàn bạc, thống nhất để làm và đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao, thu được kết quả rõ rệt. Người Pà Thẻn trong thôn bảo tồn tốt tiếng nói, nhà sàn, trang phục, phong tục, tập quán. Mỗi người trong thôn đều có một bộ trang phục dân tộc Pà Thẻn để mặc vào dịp lễ Tết, ngày trọng đại.
Bản thân ông Ngô được tỉnh, huyện, xã khen thưởng nhiều lần về vai trò người uy tín trong cộng đồng, đảng viên, trưởng thôn gương mẫu. Ngoài làm công tác xã hội, ông cùng gia đình trồng 9 ha rừng keo, mỡ sản xuất, nuôi bò, dê, trâu, lợn, gà và cá. Ông bảo, giữ được vai trò uy tín của người uy tín trong cộng đồng khó lắm nên mình phải “miệng nói, tay làm”. Có chữ “tín” làm gì cũng dễ thuyết phục được bà con nghe theo.