Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuyên Quang: Kế hoạch phát triển ngành Dược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Thứ Năm, 05/09/2024 14:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Ngày 04/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND thực hiện Chiến lược quốc gia “Phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang với trọng tâm là đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người dân, phát triển công nghiệp dược và tối ưu hóa việc sử dụng dược liệu.

Mục tiêu chung nhằm phát triển tổng thể ngành Dược Tuyên Quang phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành y tế theo từng giai đoạn, nhằm đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh để phát triển công nghiệp dược, sản xuất thuốc và các sản phẩm từ dược liệu; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, với trọng tâm là đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người dân, phát triển công nghiệp dược và tối ưu hóa việc sử dụng dược liệu. Cụ thể, phấn đấu cung ứng 100% thuốc đáp ứng các nhu cầu y tế, duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước ở mức tối thiểu là 50% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và 75% tại các trung tâm y tế tuyến huyện. Định hướng đến năm 2045, tiếp tục đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, tập trung khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển dược liệu và thu hút đầu tư vào các nhà máy sản xuất thuốc.

Để đạt được những mục tiêu trên, Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về Dược và các văn bản có liên quan; Phát triển dược liệu; Đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc; Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo về nhân lực và đào tạo; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành Dược; Thông tin, truyền thông.

Trong đó, chú trọng việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về Dược; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hậu mại đối với các hoạt động kinh doanh của cơ sở kinh doanh dược nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương và tăng cường sự tuân thủ pháp luật về dược; lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường, nhất là dược liệu nhập khẩu.

Cải thiện chất lượng hoạt động cảnh giác dược tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc; tập trung nâng cao vai trò và năng lực của người dược sĩ trong thực hành tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao, nghiên cứu chọn tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong tỉnh. Sưu tầm, nghiên cứu kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong cộng đồng.

Thúc đẩy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cung ứng thuốc, đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở kinh doanh dược với Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia. Đồng thời, triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược, từ đó giúp tối ưu hóa quy trình hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.../.

KL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN