Tuyên chiến với sim “rác”
(ĐCSVN)- Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các nhà mạng đã liên tục có nhiều biện pháp cứng rắn nhằm triệt tiêu sim “rác”. Mạnh tay là thế nhưng vấn nạn tin nhắn “rác”, cuộc gọi lừa đảo vẫn liên tục “hành hạ” người dùng.
Ảnh minh họa. |
Nhiều năm qua, trước nạn “hoành hành” của sim “rác”, các cơ quan liên quan đã có nhiều biện pháp, nhiều đợt tập trung xử lý. Tuy nhiên trên thực tế, sim “rác” vẫn nảy nở, người dùng vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cuộc gọi không mong muốn. Nhẹ thì quấy nhiễu, quảng cáo gây phiền toái, nặng thì lừa đảo, tống tiền, gây bức xúc xã hội.
Thống kê từ nhà mạng, trong số 1,5 triệu sim mới ra thị trường gần đây, Bộ TT&TT cho biết, khoảng 80% sim phát hành qua kênh đại lý, 10% trực tiếp từ nhà mạng và 10% qua kênh chuỗi, như các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn. Trong số này, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều sim không chính chủ nhất.
Được biết, hiện nay, phần lớn sim mới kích hoạt đến từ các nhà mạng lớn, đều đã kết nối trực tiếp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sim chỉ được hoạt động nếu dữ liệu trùng khớp. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng sim thẻ, người dùng vẫn có thể dễ dàng mua sim đã kích hoạt và dùng luôn. Điều này đến từ việc các đại lý "lách luật", thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường cho người khác.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, điều này dẫn đến tình trạng sim bán ra vẫn đầy đủ thông tin theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng người sử dụng thì... không chính chủ. Điều này góp phần tạo ra vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác thời gian qua.
Cũng theo Bộ TT&TT, tính đến ngày 31/8/2023, các nhà mạng đã rà soát, có khoảng 8,6 triệu thuê bao đứng tên hơn 10 sim. Trong đó, đã có 3,6 triệu chủ thuê bao đến cam kết, chuẩn hóa lại thông tin; hơn 5 triệu sim đã bị khóa một chiều, hai chiều và thu hồi…
Trước thực tế đó, thời gian qua, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng đã liên tục tổ chức các đợt "càn quét" nhằm chấm dứt tình trạng sim “rác”, sim không chính chủ trên thị trường. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai các biện pháp eKYC (xác thực điện tử), video call (xác thực qua video) nhằm bảo đảm thuê bao phát triển mới phải đúng là có thực. Các thuê bao phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin trên giấy tờ, từ đó hạn chế tối đa tình trạng thông tin thuê bao không chính xác.
Đáng lưu ý, để ngăn chặn những cuộc gọi rác, lừa đảo, các nhà mạng cam kết thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để xử lý tình trạng sim không chính chủ, sim rác. Một trong những biện pháp được các nhà mạng cam kết là ngừng phân phối sim qua kênh đại lý ủy quyền nếu có vi phạm từ 10/9. Hoặc cao hơn nữa là chỉ phân phối sim qua kênh trực tiếp của nhà mạng cùng các hệ thống kênh chuỗi lớn, uy tín như Thegioididong, FPT Shop…
Bộ TT&TT đã triển khai 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại nhiều tỉnh, thành, địa phương. Hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn sim thuê bao.
Theo đó, Bộ sẽ xử lý nghiêm những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động. Thậm chí sẽ xem xét việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp đã bị xử lý vi phạm nhưng tiếp tục tái phạm; các trường hợp sử dụng trái phép thông tin của tổ chức, cá nhân để đăng ký sim, mua bán sim rác với số lượng lớn theo quy định của pháp luật….
Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng, ngoài sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông để kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý vi phạm; hay là việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động đăng ký thông tin thuê bao di động… thì chính mỗi người dân dùng điện thoại có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tin nhắn – cuộc gọi xấu.
Theo đó, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông di động; thông báo cho nhà chức trách qua các tổng đài mỗi khi nhận phải “cuộc gọi rác”; chủ động nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, không có trong danh bạ… Đồng thời có thể chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc hoặc cảnh báo cuộc gọi rác/cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp.
Với sự vào cuộc quyết tâm, mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, người dân, chắc chắn việc xóa bỏ SIM rác là việc hoàn toàn có thể làm được./.
Nghị định số 49/2017/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng trên mỗi điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền đối với hành vi bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; mua bán, trao đổi hoặc sử dụng sim đa năng, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao…. |