Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuyên bố chung Chi-lê - Việt Nam

Thứ Ba, 12/11/2024 06:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Gabriel Boric Font, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới nước Cộng hòa Chi-lê từ ngày 9-11/11/2024. Kết thúc chuyến thăm, Hai bên đã ra Tuyên bố chung, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bản Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Chi-lê và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Gabriel Boric Font, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường tổ chức họp báo 

1. Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Gabriel Boric Font, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới nước Cộng hòa Chi-lê từ ngày 9-11/11/2024.

2. Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric đã cùng Đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm sâu rộng về mối quan hệ  hữu nghị song phương và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Chủ tịch nước Lương Cường cũng có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện José Garcia Ruminot, Chủ tịch Hạ viện Karol Cariola, tiếp Thị trưởng Thành phố Santiago de Chile Irací Hassler; phát biểu chính sách tại trường Đại học Chi-lê và gặp gỡ một số lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu của
Chi-lê.

3. Trong cuộc hội đàm hữu nghị và thẳng thắn, hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm Chi-lê đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm và tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước. Hai Bên cùng nhau nhìn lại các cột mốc lịch sử định hình quan hệ hai nước, nhấn mạnh năm nay là năm kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa ông Salvador Allende và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1969, hai vị lãnh tụ đã đặt nền móng cho việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971.

4. Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao những thành tựu của chính phủ Chi-lê đạt được trong thời gian qua, cả về kinh tế, xã hội và đối ngoại, không ngừng nâng cao vai trò và sự hiện diện của Chi-lê tại khu vực và trên thế giới. Về phần mình, Tổng thống Gabriel Boric bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong gần 40 năm Đổi mới và hội nhập quốc tế cũng như những kết quả phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.

5. Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric bày tỏ hài lòng và đánh giá cao mức độ quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước hiện nay. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện, đã được thiết lập từ năm 2007, và tái khẳng định cam kết nỗ lực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

6. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh các hoạt động cấp cao nhằm định hướng phát triển quan hệ Việt Nam - Chi-lê thông qua các chuyến thăm song phương và tiếp xúc cấp cao tại các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương. Đồng thời, hai Bên nhấn mạnh vai trò quan trọng của tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp, chính quyền địa phương, tổ chức học thuật và giao lưu nhân dân đối với việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Chi-lê.…

7. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận sự gia tăng trao đổi kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Chi-lê , nhất trí về tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư đối với sự phát triển và thịnh vượng của hai nước. Trên tinh thần đó, hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi-lê, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hiệp định đi vào hiệu lực (2014-2024), cũng như của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai nước là thành viên đối với quan hệ thương mại song phương. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai các hiệp định quan trọng nêu trên.

8. Lãnh đạo hai nước cam kết mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực mà hai Bên cùng quan tâm như quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, khoa học, giáo dục, văn hóa và du lịch. Hai Bên chia sẻ sự cần thiết mở cửa thị trường hơn nữa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam và Chi-lê nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại song phương cũng như góp phần vào việc tăng cường an ninh lương thực tại mỗi nước. Hai Bên bày tỏ quan tâm đến việc tiếp tục xử lý các thủ tục để mở cửa thị trường đối với các sản phẩm nông sản và thủy sản của hai nước.

9. Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao việc gần đây Chính phủ Việt Nam đã mở Văn phòng Tùy viên quốc phòng tại Chi-lê và Chính phủ Chi-lê đã mở Văn phòng tùy viên nông nghiệp tại Việt Nam. Hai Bên tin tưởng những sáng kiến này sẽ góp phần mở rộng và làm phong phú thêm mối quan hệ song phương.

10. Hai nước tái khẳng định cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC) và hợp tác Nam-Nam, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia. Chi-lê bày tỏ ủng hộ và hỗ trợ tích cực Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2027.

11.Chi-lê nhấn mạnh mong muốn được gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tăng cường và thắt chặt quan hệ với các nước thành viên của hiệp định này. Việt Nam hoan nghênh đề nghị của Chi-lê và sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy thảo luận giữa các nước thành viên về vấn đề này.

12. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS 1982) là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, có tầm quan trọng chiến lược và là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Hai Bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp biển bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc 1982.

13. Việt Nam chúc mừng Chi-lê nhân dịp kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác phát triển ASEAN-Chi-lê (2019-2024). Hai nước bày tỏ mong muốn thúc đẩy triển khai hiệu quả các lĩnh vực hợp tác thiết thực trong khuôn khổ Quan hệ đối tác phát triển ASEAN-Chi-lê giai đoạn 2021-2026, đặc biệt nhấn mạnh các lĩnh vực phát triển bền vững, thương mại và đầu tư, khoáng sản, kinh tế số.

14. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Lương Cường cảm ơn Tổng thống Chi-lê Gabriel Boric về sự đón tiếp nồng hậu mà đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã nhận được trong chuyến thăm. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng với kết quả của chuyến thăm, tạo động lực quan trọng cho việc phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường trân trọng mời Tổng thống Gabriel Boric thăm Việt Nam trong năm 2025; Tổng thống Gabriel Boric đã vui vẻ nhận lời, thời điểm chuyến thăm sẽ được thống nhất qua kênh ngoại giao.

Tuyên bố chung được ký tại thành phố Santiago, Cộng hòa Chi-lê ngày 11 tháng 11 năm 2024, thành hai bản chính, bằng tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, cả hai bản có giá trị như nhau./.

 

THAY MẶT

NƯỚC CỘNG HÒA CHI-LÊ

 

 

 

 

 

 

ÔNG ALBERT VAN KLAVEREN STORK

PHÓ THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

 

 

THAY MẶT

NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

VIỆT NAM

 

 

 

 

 

ÔNG BÙI THANH SƠN

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO


có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN