Tục lệ “con chưa có tên, cha phải ở nhà” của dân tộc Pu Péo
(ĐCSVN) - Người Pu Péo sống tập trung chủ yếu ở vùng biên giới Việt – Trung. Hiện tại, số lượng người dân tộc Pu Péo không đông, có khoảng 678 người tại Việt Nam, tuy nhiên, họ vẫn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa. Đó có thể là những chiếc áo xẻ ngực của người đàn ông, hay kiểu vấn tóc búi cao độc đáo của phụ nữ. Nhưng thú vị nhất, có lẽ là tục lệ trong đời sống thường ngày của họ như ma chay, cưới hỏi, đặc biệt là việc đặt tên cho một đứa trẻ.
Người Pu Péo là một trong những cư dân lâu đời nhất ở vùng cao cực Bắc Hà Giang. (Ảnh: Thành Đạt) |
Mỗi đứa bé ra đời là thời khắc quan trọng với các gia đình, dòng họ ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, đối với người Pu Péo, nó còn quyết định đến cả cuộc sống thường nhật của người bố. Bởi nếu như đứa trẻ chưa được đặt tên, thì người cha sẽ không đi ra ngoài. Điều này có lẽ bị chi phối mạnh từ tín ngưỡng của người Pu Péo, vì theo họ thế giới gồm 3 tầng: tầng trời, mặt đất và dưới mặt đất. Trong đó ở mỗi tầng, diện mạo con người khác nhau. Họ cho rằng, linh hồn tổ tiên luôn ở phía trên, còn người sống ở phía dưới.
Quan niệm về linh hồn, người Pu Péo tin rằng, với các vật thể còn sống, linh hồn tồn tại trong thể xác. Nó chính là năng lượng tạo ra hình thể và sự sống. Linh hồn của con người có phần phức tạp hơn linh hồn của muôn loài. Nó không chỉ là yếu tố tạo ra hình thể và sự sống mà còn hình thành nên tính cách, hành vi, tình cảm, tinh thần... của con người. Người Pu Péo quan niệm mỗi người có tám hồn (m’rư vân ngóa) và chín vía (m’xia vân au).
Chính vì vậy, người Pù Péo từ xa xưa đến nay tin rằng có một “bà mụ” – vị thần đó ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người. Mà cụ thể, bà mụ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến một đứa trẻ từ khi còn là thai nhi cho đến năm mười ba tuổi. Bà mụ có thể mang lại những điều tốt đẹp, cũng như bất hạnh đến cho trẻ nhỏ, vì vậy, họ thường rất chú ý trong giai đoạn mang thai, sinh đẻ và đặt tên cho con cái.
Phụ nữ Pu Péo trong trang phục truyền thống. |
Khi người phụ nữ Pu Péo trở dạ, gia đình sẽ nhanh chóng di chuyển họ vào trong buồng riêng, rồi đi gọi bà đỡ đến. Sản phụ sẽ trực tiếp đẻ trong căn buồng của mình. Nhau thai được chôn trong ống tre dưới gầm giường hoặc bọc vào chiếu cũ để lên cành cây trên rừng. Tất cả việc này để giúp cho đưa trẻ được an toàn từ khi mới lọt lòng.
Theo quan niệm của người Pu Péo, họ tránh không đặt tên trẻ sơ sinh sớm, vì như vậy sẽ dễ bị những thế lực xấu trong thế giới tâm linh “nhòm ngó” ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và có thể là cả người mẹ. Chính vì vậy, họ thường để qua một vài ngày bắt đầu mới đặt tên. Trong thời gian này, những người trong gia đình tuyệt đối không được nói to cái tên đã được dự định cho đứa trẻ, như vậy sẽ gây nguy hiểm đến bé. Đối với các bé gái chỉ cần ba ngày sau khi sinh là có thể đặt tên, nhưng các bé trai cần đến năm ngày. Trong thời gian này, người bố tuyệt nhiên không được đi ra ngoài mà phải ở nhà, một phần để bảo vệ vợ con, tránh cho “thế lực xấu” ảnh hưởng đến gia đình nhỏ của mình.
Nếu trong khoảng thời gian này, người cha có việc gấp bắt buộc đi ra ngoài, anh ta sẽ phải đội nón, che chắn thật kĩ để không ai nhận ra khuôn mặt, dáng người của mình. Người Pù Péo cho rằng, ở những cánh rừng, vườn lá có nhiều nơi u tối, tại đấy, ma quỷ tồn tại, chúng có thể cảm nhận thấy người đàn ông vừa có con nhỏ và đi theo về nhà. Điều này mang lại điềm gở cho cả gia đình, đứa trẻ có thể ốm yếu, quấy khóc, người mẹ sẽ không thể khỏe lại nhanh sau khi sinh. Chính vì vậy, những người đàn ông có vợ mới sinh con thường không ra ngoài, cho đến khi nào em bé được đặt tên, họ mới “thở phào” bước ra khỏi cổng nhà.
Người Pu Péo vẫn luôn tự hào về các truyền thống dân tộc và gìn giữ, truyền lại cho con cháu như những báu vật vô giá, tục lệ “con chưa có tên, cha phải ở nhà” vẫn được các gia đình Pu Péo duy trì. Họ không còn mang trong mình niềm kính sợ về các bà mụ nữa, mà người đàn ông cho rằng đây là khoảng thời gian để họ ở bên chăm sóc vợ con của mình.