Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuần “Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022” sẽ diễn ra từ ngày 18-23/11/2022

Chủ Nhật, 16/10/2022 14:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Tuần “Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022” sẽ được tổ chức từ ngày 18 – 23/11 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).


Các hoạt động của Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" (Tuần lễ) để tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc (Ảnh minh họa: Hồng Hà) 

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Ban tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đồng chủ trì cuộc họp. 

Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam 2022” gồm nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo và phối hợp thực hiện, Ban quản Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời tái hiện, giới thiệu các hoạt động của đồng bào dân tộc tại "ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với du khách trong nước và quốc tế. Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam 2022” diễn ra từ ngày 18 – 23/11 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, đến thời điểm này Ban Quản Lý Làng Văn hoá  - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tham mưu và trình lãnh đạo Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký các quyết định liên quan đến các hoạt động tại sự kiện. “Tuần Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022” có một số hoạt động chính: Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc phía Bắc lần thứ nhất; Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022... Điểm nhấn của chuỗi các hoạt động của sự kiện này là Chương trình khai mạc diễn ra vào 20h giờ ngày 18/11 tại sân khấu nổi hồ Đồng Mô, chương trình sẽ được phát trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Ông Trịnh Ngọc Chung cho biết thêm, 18 cộng đồng dân tộc, với hơn 200 nghệ nhân và đồng bào sẽ tham gia vào các hoạt động của sự kiện đầy ý nghĩa này. Để đảm bảo an ninh an toàn, phòng, chống cháy nổ trong suốt những ngày diễn ra các hoạt động, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng và có phương án cụ thể. Trong thời gian tới Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ thành lập các tiểu ban, phân công công việc cụ thể để giúp Ban tổ chức các công việc chuyên môn.

 Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ: “Tuần “Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022” là một hoạt động hết sức ý nghĩa, nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, có sức lan toả rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Với ý nghĩa đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nội dung các hoạt động của sự kiện sao cho toát lên được hồn cốt văn hoá, tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”. 

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị Ban tổ chức tiếp thu những ý kiến đóng góp tại cuộc họp, để có sự chỉnh sửa và hoàn thiện các nội dung của Chương trình đúng với mục đích, ý nghĩa tạo sự lan toả sâu rộng. Chương trình khai mạc phải gắn với tinh thần Đại đoàn kết - Di sản văn hoá Việt Nam. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt lưu ý, các hoạt động của sự kiện phải được tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết và được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung các hoạt động đặc sắc, hình thức phong phú, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại. Trong quá trình triển khai cần thực hiện nghiêm các quy định về công tác an ninh và vệ sinh an toàn thực phẩm.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN