Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ xe buýt nghĩ về hạ tầng giao thông Hà Nội!

Thứ Tư, 12/10/2016 15:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hạ tầng giao thông ở Hà Nội không đuổi kịp tốc độ tăng dân số, nên tắc đường ví như “căn bệnh trầm kha”. Phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt là khâu “đột phá”, nhưng phải chờ 14 năm nữa mới “chiến thắng” được phương tiện cá nhân!

Xe buýt Hà Nội vẫn chưa có đường dành riêng. ( Ảnh: ĐD).

Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe máy, 500.000 ô tô, đó là chưa kể đến xe buýt và phương tiện khác. So với hơn 10 năm trước, số phương tiện tại Hà Nội đã tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có đường sá gần như không có chuyển biến, chỉ  tăng được 2 đến 3%.

Phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt đã và đang được Hà Nội thực hiện “quyết liệt” nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, chống tắc đường, kẹt xe. Xe buýt được trợ giá, đáng ra phải là sự lựa chọn của mọi tầng lớp dân cư Thủ đô, nhưng năm 2015-2016, có 28% lượng khách nói "không" với xe buýt. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là người dân thấy đi lại bằng xe buýt chưa thuận tiện...

Dù lượng khách đi xe búyt giảm và có nguy cơ giảm nữa, nhưng Hà Nội vẫn đưa ra lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, đầu tư mới 500 xe buýt. Đầu tư thêm 500 xe buýt không phải là số tiền lớn với Hà Nội, vấn đề quan trọng là có đường riêng dành cho xe buýt hay không?

Ở nhiều nước, xe buýt được ưu tiên vận hành trên đường dành riêng, nhưng ở Việt Nam thì khác, xe buýt vẫn “ bon chen” giành đường với “cả rừng phương tiện”. Nếu giai đoạn 2008-2013, Hà Nội có 5,3 km đường dành riêng cho xe buýt, thì nay chỉ có 1,3 km đường dành riêng cho xe buýt tại dải giữa đường Yên Phụ trên tổng số 500 km đường giao thông của Thủ đô, do trục Nguyễn Trãi – Thanh Xuân bị loại bỏ năm 2014 khi xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Hà Nội có 500 km đường giao thông, nhưng bình quân 1.140 xe buýt mới có 1 km đường dành riêng, thì xe buýt có tăng thêm cũng khó chống được vấn nạn tắc đường, kẹt xe...

Vì sao chọn việc phát triển xe buýt là khâu “đột phá” để hạn chế phương tiện cá nhân, chống tắc đường mà lại chưa có quy hoạch đường dành riêng cho xe buýt, giống như đường sắt đô thị? Hạ tầng giao thông có hiện đại bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là tính đồng bộ trong quy hoạch và sự gắn kết khi thực hiện các quy hoạch

Hà Nội kỳ vọng khi mạng lưới giao thông công cộng đi vào hoạt động, đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng sẽ phục vụ 60% nhu cầu đi lại của người dân. 14 năm nữa, vận tải hành khách công cộng mới vượt phương tiện cá nhân, tức là bài toán chống tắc đường, hạn chế phương tiện cá nhân không thể giải quyết trong ngắn hạn. Tắc đường, kẹt xe không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà còn thiệt hại rất nhiều về kinh tế, cho nên cần có những giải pháp và quyết sách đúng cả ngắn hạn lẫn dài hạn.  

Hà Nội bây giờ rộng, dài hơn trước nhiều lần do điều chỉnh địa giới, nhưng rộng, dài mà hàng ngày dòng người, “cả rừng phương tiện” vẫn “bon chen” qua những cung đường chật hẹp, thì quả là đáng suy nghĩ!

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN