Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

Suốt chiều dài lịch sử của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong số các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, Tứ trấn Thăng Long - bốn ngôi đền thờ bốn vị thần trấn giữ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc - một phương thức sáng tạo không gian thiêng liêng đặc biệt, phản ánh đậm nét đời sống, văn hóa, tín ngưỡng người dân đất Thăng Long - Hà Nội.

Tứ trấn Thăng Long gồm: Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ (trấn Đông), đền Voi Phục thờ thần Linh Lang (trấn Tây), đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn Đại Vương (trấn Nam), đền Trấn Vũ thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ (trấn Bắc).

Trong số các bảo vật của Tứ trấn Thăng Long, đền Trấn Vũ đang lưu giữ có pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ đồ sộ, một kiệt tác điêu khắc do nhân dân đúc vào thời Vua Lê Hy Tông (1677), được phụng thờ ở phía Bắc thành Thăng Long, thể hiện ý nghĩa tự vệ quốc gia, biểu thị tinh thần quật cường của dân tộc Việt qua các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm mấy thế kỷ trước.

Từ góc nhìn tín ngưỡng, đền Quán Thánh thờ thánh Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần của đạo Lão, trải qua quá trình phát triển đạo Lão đã tiếp thu và hòa hợp với văn hóa Việt Nam cùng với đạo Phật, đạo Nho. Sự hòa đồng của “Tam giáo đồng nguyên” trong không gian di tích góp phần nâng cao giá trị, lịch sử văn hóa và tư tưởng của dân tộc Việt Nam.

ĐỀN BẠCH MÃ

Đền Bạch Mã là một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, tọa lạc tại số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Quang cảnh đền Bạch Mã. 

Đền Bạch Mã có lịch sử hơn một nghìn năm, là trấn đầu tiên trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long gắn với truyền thuyết xây La Thành của Cao Biền vào năm 866 và vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long vào thế kỷ XI. Theo truyền thuyết, khi Đức vua Lý Thái Tổ dời đô ra thành Đại La, khi xây thành gặp trắc trở, Vua cầu thần Long Đỗ phù trợ định đô, xây dựng kinh thành mới đã được thần báo mộng thấy ngựa trắng.

Dấu chân của ngựa trắng đã chỉ cho nhà vua biết phải xây thành Thăng Long ở những vị trí nào sẽ được bền vững. Khi xây xong thành nhà vua đã đặt tên cho đền là Bạch Mã và phong thần Long Đỗ là Thành hoàng Quốc đô Thăng Long.

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê với 52 vị vua định đô tại Thăng Long, đền Bạch Mã là nơi chứng kiến đầy đủ nhất quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi đền Bạch Mã luôn được cộng đồng dân cư gìn giữ, tu sửa và thờ phụng. Di tích đền Bạch Mã cùng với các di tích khác trong tứ trấn Thăng Long khẳng định giá trị lịch sử, tín ngưỡng tiêu biểu của quần thể di tích này tại Hà Nội.

Đền Bạch Mã xây theo hình chữ “Tam”, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và hơn 13 hoành phi. Hoạ tiết bài trí trên các ô cửa đền gần gũi với phong cách kiến trúc châu Á, một điểm đến hấp dẫn với du khách thăm quan Hà Nội. Hằng năm, lễ hội đền Bạch Mã tổ chức vào ngày 13/2 âm lịch hàng năm, tại khu phố cổ Hà Nội, thu hút rất đông nhân dân Thủ đô và du khách thập phương tham dự.

 Nhân dân Thủ đô tổ chức Lễ rước theo nghi lễ truyền thống nhân dịp đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn đền Bạch Mã.

ĐỀN VOI PHỤC

Sở hữu vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm, đền Voi Phục là Tây trấn một trong “Tứ trấn Thăng Long”, tọa lạc tại phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngôi đền là nơi thờ phụng thần Linh Lang Đại Vương - nhân vật lịch sử đã có công lao giúp vua Lý Thánh Tông đánh dẹp giặc Tống xâm lược và hy sinh. Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong “Thượng đẳng thần”. Năm 1065, Vua cho xây dựng đền thờ và tạc hai tượng voi đá quỳ trước cửa đền.

Hàng năm, để tưởng nhớ tới công lao của thần Linh Lang Đại Vương, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Voi Phục vào các ngày 9, 10, 11/2 âm lịch.

Đền Voi phục tọa lạc trên một gò đất bằng phẳng và rộng rãi. Tam quan ngoại và nội quay hướng Đông Nam. Chính điện nhìn về hướng Đông, phía hồ Thủ Lệ. 

Đền Voi Phục là một địa danh giúp du khách thăm Hà Nội, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước, một du khách đến từ Nam Định cho biết, tôi thường tìm đọc tài liệu, cập nhật những thông về đền Voi Phục. Ngoài ra, tôi được biết, đền không chỉ gắn liền với huyền tích về hoàng tử Linh Lang, trải qua hơn 1000 năm lịch sử mà còn gắn liền với những câu chuyện tâm linh huyền diệu.

Đền Voi Phục có cảnh quan thoáng mát với các công trình kiến trúc, cổng tứ trụ, đi qua cổng tứ trụ là con đường rợp bóng cây, dài gần trăm mét dẫn vào trong đền. Tiền đường gồm ba gian, chính điện bày lỗ bộ, bên trái đặt trống đại, bên phải treo chuông đồng, hai đầu hiên có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch.

Ở trung đường, vị trí cao nhất chính giữa hậu cung là pho tượng Linh Lang Đại Vương tọa trên ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá công phu tinh xảo. Phía trước pho tượng là một hòn đá lớn được đặt trong hộp kính. Ngoài ra còn có các hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí sơn son thếp vàng lộng lẫy.

 Một số công trình kiến trúc đền Voi Phục.

ĐỀN KIM LIÊN

Trong suốt hơn một nghìn năm lịch sử, là một trong tứ trấn, đền Kim Liên luôn giữ vị trí đặc biệt trong không gian lịch sử, văn hóa của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Trước kia đền thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

Qua các tư liệu thư tịch, văn bia, câu đối, sắc phong về di tích đền Kim Liên cho thấy đây là nơi thờ thần Cao Sơn, nhân vật quan trọng trong Điện Thần Việt Cổ. Theo văn bản cổ nhất có niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1510) có ghi tên di tích “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ”.

Tương truyền, Cao Sơn đại vương là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên) chống lại Thủy Tinh mang lại sự bình yên cho muôn dân trăm họ.

Theo tài liệu đền Kim Liên, vào triều Lê, Lê Mẫn (Uy Mục Đế) thất đức, hung bạo càn rỡ có mưu đồ lật đổ Lê Tương Dực. Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509), nhà vua lánh nạn vào Tây Đô dấy binh khởi nghĩa, khôi phục lại nghiệp của vua Cao Tổ, cứu vớt dân lành.

Bấy giờ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ phụng mệnh đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay là huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương", bèn cúi lạy khẩn cầu thần phù trợ.

Linh ứng, chưa đầy một tuần nghiệp lớn đã thành công. Cùng năm đó, vào ngày mùng 2 tháng Chạp, nhà vua giành lại ngai vàng. Để tưởng nhớ đến công ơn thần, nhà vua đã cho dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long vào năm 1509. Đồng thời sai sử thần Lê Tung soạn văn bia lưu truyền, sớm hôm hương khói báo đáp ơn thần.

Một góc đền Kim Liên. 
Nội điện đền Kim Liên. 
Tấm bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510. 

Hiện đền Kim Liên còn lưu bia đá “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” với bài tựa "Cao Sơn đại vương thần từ bi minh" do sử thần Lê Tung soạn năm 1510. Ngoài ra còn lưu giữ 33 đạo sắc phong niên đại từ thời Vĩnh Tộ (1619 - 1628) đến thời Khải Định (1916 - 1925). Trong số 33 bản sắc, thời Lê trung hưng có 22 bản, thời Nguyễn có 11 bản.

Hằng năm, nhân dân Thủ đô tổ chức lễ hội đền Kim Liên vào ngày 15, 16/3 âm lịch, để tưởng nhớ thần Cao Sơn Đại Vương.

 

Đền Quán Thánh đối diện hồ Tây, tại ngã tư đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Cùng với đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Voi Phục... ngôi đền đang là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Hà Nội, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới thăm quan và chiêm bái.

Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Thời nhà Lê, Vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có mùa màng gặp hạn hán.

Theo sử liệu, đền Quán Thánh xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc Hồ Tây. Đền Quán Thánh là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, lưu giữ nhiều tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tín ngưỡng ở nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam.

Đền có kiến trúc xây theo kiểu nội “đinh”, ngoại “quốc”, ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng “Đề Chân Vũ quán”, do vua Thiệu Trị ngự đề.

Trong số các bảo vật đang lưu giữ ở Di tích có pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, kiệt tác của các nghệ nhân làng Ngũ Xá (Hà Nội) đúc năm Đinh Tỵ 1677.

Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Quán Thánh vào ngày 3/3 (ngày Thánh Đản) và 9/9 âm lịch để tưởng nhớ đức thánh Trấn Vũ, giúp ôn lại truyền thống văn hiến vùng đất Thăng Long kinh kỳ.

 Khuôn viên đền Quán Thánh.

Đền Quán Thánh với tiếng chuông Trấn Vũ, những truyền thuyết, huyền thoại, màn sương Tây hồ mịt mờ khói tỏa, mặt gương Tây hồ hòa quyện, đã đi vào những sáng tác dân ca, văn học dân gian, cùng tôn lên sức hấp dẫn của một đô thị cổ trầm mặc uy nghiêm.

Những giá trị vật thể và phi vật thể của Tứ trấn Thăng Long đã và đang là một phần của bản sắc Hà Nội, góp những gam mầu rực rỡ vào bức tranh văn hóa đa dạng và lung linh sắc mầu của Hà Nội.

TIẾP NỐI MẠCH NGUỒN ĐẤT THĂNG LONG 

Tiếp nối dòng chảy lịch sử đất Thăng Long, trân quý những di sản tiền nhân để lại; ngày 9/1/1990, Bộ Văn hóa thông tin và Du lịch đã xếp hạng Đền Kim Liên là Di tích Lịch sử văn hóa, kiến trúc và Nghệ thuật cấp Quốc gia; ngày 22/12/2016, pho tượng đồng đen Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia; ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho 5 di tích trên cả nước, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật “Thăng Long Tứ trấn”.

Những giá trị lịch sử, văn hóa Thăng Long xưa đang được Thủ đô gìn giữ, lưu truyền và phát huy, giúp tạo một cây cầu kết nối quá khứ với hiện tại. Đặc biệt trở thành một nền tảng văn hóa khẳng định truyền thống văn hiến, anh hùng, hòa bình của một đất nước, tạo nguồn lực văn hóa quan trọng để khai thác và phát triển Thủ đô thời hội nhập.

Thăng Long - Hà Nội sự giao thoa của hai dòng chảy văn hóa giúp Thủ đô hôm nay sở hữu nhiều danh hiệu do UNESCO trao tặng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Theo thống kê, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 21 di tích - cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích được xếp hạng là di tích cấp thành phố; 1 di sản văn hóa thế giới; 1 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

Những năm gần đây, nhiều du khách quốc tế tới Hà Nội rất thích thú khi tham quan, tìm hiểu khu phố cổ Hà Nội, nơi có những con phố nhỏ, ngõ nhỏ cổ kính đan xen, kề bên dòng sông Hồng.

Ông Tom Hiddleston - vị khách người Anh làm việc lâu năm tại Hà Nội đánh giá: “Hà Nội quyến rũ hơn so với những thành phố khác trên thế giới mà tôi từng đi qua đó chính là các di sản văn hóa đồ sộ, hàm chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đậm tính nhân văn ẩn chứa và phô diễn trong các lễ hội truyền thống”.

Đi giữa các phố phường Hà Nội hôm nay, mỗi người đều nhận thấy những thành tựu cụ thể của quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển, để mỗi người thêm yêu và tự hào về Thủ đô Hà Nội – một vùng đất đang bừng sáng với một tư thế, diện mạo mới, sức sống mới, trong thời đại mới.

Cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế. 
 
N.Dương
15/07/2023 17:33
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN