Từ tác phẩm “Tự chỉ trích” đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
(ĐCSVN) – Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nội dung quan trọng hàng đầu là xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên – tiếp nối những khởi đầu từ tác phẩm “Tự chỉ trích” của Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Từ tác phẩm “Tự chỉ trích”…
Mặc dù hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, thời gian hoạt động cách mạng không dài, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một người cộng sản có tầm nhìn xa rộng, có quyết tâm và nghị lực lớn, có khả năng phân tích, khái quát, nhận định chính xác các vấn đề trong nước và quốc tế theo tinh thần phương pháp luận Mác - Lênin. Với tư duy lý luận sắc sảo, sáng tạo, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được đồng chí giải quyết một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tế Việt Nam. Một đóng góp quan trọng và nổi bật về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức là tác phẩm“Tự chỉ trích” được đồng chí viết dưới bút danh Trí Cường.
Nội dung tác phẩm Tự chỉ trích đến nay vẫn có giá trị trong công tác xây dựng đảng. |
Tác phẩm gồm 4 phần: Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; và Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Bằng thực tiễn hoạt động phong phú của mình, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã khái quát được những vấn đề tư tưởng lý luận hết sức sâu sắc mang tính thời đại, mà cho đến nay, vẫn còn giá trị thời sự. Tự chỉ trích nhấn mạnh vào việc tự phê bình và phê bình trong Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, góp phần làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Theo đồng chí, mục đích của tự chỉ trích là “để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiên thủ”. Nội dung đấu tranh phê bình và tự phê bình phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ, sai lầm trong phương thức vận động quần chúng. Phê bình và tự phê bình phải giữ vững nguyên tắc của Đảng mácxít. Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình là phải nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ khuyết điểm. Để tạo được sự thống nhất tư tưởng, mỗi đảng viên cần nhận rõ nguyên tắc phê bình trong Đảng. Muốn khắc phục sai lầm, khuyết điểm, phải phân tích đúng nguyên nhân của các sai lầm và có biện pháp giải quyết phù hợp. Từ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã tổng kết thực tiễn những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ.
Với những nội dung đó, “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng xuất sắc, làm giàu thêm kho tàng lý luận học thuyết Mác - Lênin. Nó không chỉ thể hiện sự sắc sảo về chính trị, lý luận và thực tiễn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi, mà còn chỉ dẫn cho chúng ta về tính đảng, tính nguyên tắc, tính kiên định cách mạng, cũng như về đạo đức trong phê bình và tự phê bình. Tác phẩm ra đời đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hoà bình, mà còn có giá trị đến ngày nay, thể hiện sức khai quát, tầm nhìn của nhà lãnh đạo Nguyễn Văn Cừ. Đây thực sự là một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, là cẩm nang của Đảng trong mọi thời kỳ về xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất và sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập hiện nay, làm cho Đảng ngày càng thống nhất về tư tưởng và hành động, quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng.
Đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta hiện nay
Tiếp nối tinh thần chủ đạo của tác phẩm “Tự chỉ trích”, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nội dung quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Trong ba kỳ đại hội gần đây, Đảng đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị bàn về công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta ban hành Kết luận số 21-KL/TW về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều này khẳng định Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện là then chốt để xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế… Trong năm nhóm giải pháp, nhóm giải pháp đầu tiên được nhắc đến là thực hiện nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình, từ đó đưa các giải pháp như: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm… Như vậy, Đảng ta đã nghiêm túc nhìn nhận, tự phê bình và phê bình là việc khó, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện, phải đổi mới phương pháp và cách thức thực hiện, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, đồng thời, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng viên, đảm bảo tính nghiêm minh trong Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta luôn trong sạch vững mạnh, vì sự phát triển ổn định và bền vững.