Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tự hào Việt Nam

Thứ Ba, 03/09/2024 18:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tiếp tục phát huy tầm vóc lịch sử của sự kiện 2/9/1945, với ý chí và quyết tâm, Việt Nam đã khẳng định uy tín, vị thế của mình, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng chung của nhân loại

 Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCNVN (Ảnh: PV)

Sau 79 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và sau gần 40 năm Đổi mới (từ 1986 đến nay), từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết mới đây: “Xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng, kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta; phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; không ngừng tìm tòi, mở ra triển vọng mới to lớn để phát triển con người và xã hội.

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Kiên định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Đặc biệt coi trọng và không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Cùng với đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh trong thời gian gần đây, một tinh thần rất quan trọng là cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đó là tinh thần phát triển mới đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa đang đặt ra với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng ổn định, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu. Đầu tư công được đẩy mạnh về số vốn thực hiện, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân ở mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,05% so với năm 2022. 

Quy mô thị trường trong nước liên tục tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022. 

Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Một số sản phẩm của Việt Nam bước đầu khẳng định thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.521,3 nghìn tỷ đồng. 7 tháng năm 2024, cả nước có hơn 95,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 854,6 nghìn tỷ đồng.

Lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng. Năm 2023, lao động có việc làm là 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,9%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với năm 2022. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu là 3,8 triệu người, giảm 507,6 nghìn người so với năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động năm 2023 là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022),

Theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số GII (Bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực của các hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia) của Việt Nam, năm 2023, xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế trên toàn thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2022; trong khu vực ASEAN, chỉ số GII của Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực, xếp hạng sau Singapore (xếp hạng 5), Malaysia (xếp hạng 36) và Thái Lan (xếp hạng 43). Chỉ số nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66.

Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta không ngừng quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa - xã hội. Đến nay, văn hóa và đời sống của nhân dân có nhiều chuyển biến ngày càng được cải thiện.

Dân số Việt Nam năm 2023 là 100,3 triệu người. Chất lượng dân số ngày càng được cải thiện. Việt Nam cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Những thành tựu trong phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi.

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2023, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 19/12/2023, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng; thu hút nhiều du khách quốc tế tới thăm quan tìm hiểu văn hóa con người Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê nêu rõ, năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023. Tính riêng 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ 2023.

 Cờ đỏ sao vàng rực rỡ khắp phố (Ảnh: PV)

Việt Nam ngày càng gia tăng vị trí trên trường quốc tế

Tiếp tục phát huy tầm vóc lịch sử của sự kiện 2/9/1945 và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, Việt Nam không ngừng nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, với một tinh thần kiên cường và quyết tâm không thể lay chuyển.

Trước hết, đất nước ta đã duy trì một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, nhưng vẫn linh hoạt và sáng tạo. Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và đa cực, việc giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt trong ứng xử giúp Việt Nam vừa bảo vệ được chủ quyền quốc gia, vừa tận dụng được các cơ hội hợp tác quốc tế. Điều này không chỉ giúp đất nước giữ vững hòa bình và ổn định, mà còn tạo đà cho việc xây dựng các mối quan hệ Đối tác chiến lược, cùng nhau chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, việc nâng cao vai trò của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế là một nhiệm vụ không thể thiếu. Tham gia tích cực vào các sáng kiến toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và gìn giữ hòa bình, giúp Việt Nam khẳng định vai trò của mình như một quốc gia có trách nhiệm và đáng tin cậy trên trường quốc tế.  

Để tầm vóc của sự kiện 2/9 mãi mãi lan tỏa, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Điều này không chỉ giúp Việt Nam xây dựng một bản sắc độc đáo và mạnh mẽ trên trường quốc tế, mà còn tạo nên sức hút mềm mại, thu hút sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ các quốc gia khác. Mỗi di tích, bài hát, điệu múa, mỗi phong tục, lễ hội là một câu chuyện về lòng kiên cường, sự sáng tạo và tình yêu đất nước - những giá trị đã và đang đưa Việt Nam vươn lên tầm vóc toàn cầu.

Ngoại giao văn hóa cũng là một trong những phương tiện mạnh mẽ giúp Việt Nam lan tỏa tầm vóc của mình ra thế giới. Khi văn hóa Việt được giới thiệu rộng rãi, khi những câu chuyện về lòng kiên cường và tinh thần đoàn kết được chia sẻ, thế giới sẽ hiểu hơn, yêu mến hơn và tôn trọng đất nước chúng ta hơn. Từ những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đến các chương trình trao đổi giáo dục và giao lưu nhân dân, tất cả đều góp phần xây dựng một hình ảnh Việt Nam đẹp đẽ, năng động và đầy tiềm năng.

Từ ánh sáng của Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, Việt Nam đã và đang tiếp tục viết lên những trang sử hào hùng và đầy tự hào trên trường quốc tế. Chúng ta chứng minh được rằng, dù nhỏ bé về diện tích nhưng với ý chí và quyết tâm, Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế của mình, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng chung của nhân loại./.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN