Từ hải cảng ra thế giới - Lịch sử toàn cầu về các cảng Đông Dương
(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học quốc tế “Từ hải cảng ra thế giới- Lịch sử toàn cầu về các cảng Đông Dương (1858-1956)" có ý nghĩa như một sự bù khuyết vào vùng đất nghiên cứu còn những thiếu hụt và bỏ trống rất đáng để chúng ta lưu tâm và cộng đồng trách nhiệm khai thác.
PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Sáng 27/10, tại TP Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng (ĐHSP-ĐHĐN) phối hợp với Trường Đại học Bretagne-Sud (Pháp) tổ chức Hội thảo quốc tế: “Từ hải cảng ra thế giới- Lịch sử toàn cầu về các cảng Đông Dương (1858-1956)”. Hội thảo là diễn đàn khoa học hội tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Canada, Na Uy, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo. |
PGS.TS Lưu Trang chia sẻ: Trên thực tế, xung quanh các vấn đề có liên quan đến các hải cảng ở Đông Dương từ thế kỷ XIX vẫn còn chưa được giới nghiên cứu của lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn quan tâm một cách tương xứng so với tầm quan trọng của nó. Cho đến nay, sau rất nhiều nỗ lực đáng kể của giới nghiên cứu cả Pháp và Việt Nam, với mục đích làm mới và phong phú lịch sử khi kết hợp lịch sử thuộc địa và lịch sử đế quốc với lịch sử hàng hải và cảng trên nhiều quy mô, thì điều đáng ngạc nhiên là những công trình nghiên cứu dành riêng cho các cảng Đông Dương vẫn còn rất khiêm tốn. Kể cả trong thời gian gần đây, Pháp đã tổ chức hai cuộc triển lãm để làm sáng tỏ một phần lịch sử hàng hải Đông Dương thuộc địa Pháp, thì vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào được thực hiện về các cảng này.
Theo chương trình, Hội thảo tập trung hướng tới 03 mục tiêu: Bổ sung tư liệu cho khoảng trống nghiên cứu về hải cảng thuộc địa; áp dụng cách tiếp cận toàn cầu hoá về các cảng ở Đông Dương, giống như cách mà Bruno Marnot đã áp dụng với các cảng thương mại lớn của Pháp; hướng tới kết nối các nhà sử học và các nhà nghiên cứu theo hướng tiếp cận đa ngành và liên ngành.
Theo nhiều đại biểu, hội thảo lần này với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Đây sẽ là diễn đàn để các nhà nghiên cứu cùng nhìn nhận lại và hiểu tường tận hơn về lịch sử hàng hải, cảng biển, lịch sử thuộc địa và lịch sử đế quốc; hiểu sâu quá khứ, nắm bắt tương lai. Hội thảo cũng sẽ gợi dẫn nhiều vấn đề chuyên sâu tiếp theo về cảng Đông Dương và rộng hơn là những vấn đề lịch sử trong cái nhìn toàn cầu hóa. Đây cũng là trách nhiệm của các nhà khoa học đối với những vấn đề thuộc về lịch sử, văn hóa quốc gia, dân tộc và toàn cầu./.