Từ câu chuyện về cá ngẫm đến chương trình hành động quốc gia về bảo vệ môi trường
(ĐCSVN) - Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều phấn đấu mục tiêu phát triển bền vững, nhân loại đang hướng tới cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh, Việt Nam cũng nằm trong quy luật đó. Phát triển bền vững tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc bảo vệ chất lượng môi trường. Chỉ số hạnh phúc dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Như vậy, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường như một cặp song sinh trong phát triển bền vững mà xã hội văn minh đang hướng tới.
Cá chết tại bờ biển miền Trung. Ảnh: QC.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trên đất nước tươi đẹp của chúng ta, ở đâu cũng bắt gặp hoặc đối mặt với các thách thức về môi trường. Nó không chỉ ảnh hưởng đến phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng ngay đến sức khỏe của người. Phải chăng, chúng ta đã quá coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ vấn đề môi trường, hay chúng ta chưa làm đủ trách nhiệm?Sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung thời gian vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh kịp thời đối với tất cả chúng ta. Cần sớm hành động trước khi quá muộn. Chính chúng ta cũng có trách nhiệm trong vấn đề “cá chết” này, và các vấn đề ô nhiễm môi trường khác nữa. Câu chuyện về cá chưa kết thúc nhưng sai lầm của chúng ta thì đã tồn tại quá lâu.
Chúng ta đã chưa thực sự hành động nghiêm túc cho môi trường của chúng ta. Chúng ta chưa nguôi với những nỗi đau do chất độc da cam, thì nay đây đó trên đất nước Việt Nam tươi đẹp đã xuất hiện "làng ung thư"; nhiều loại dịch bệnh mới xuất hiện, hạn hán, sa mạc hóa đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân mà nguyên nhân là do môi trường. Hàng ngày, bao nhiêu lượng túi ni lông được sản xuất, bao nhiêu khói của xe cộ kém chất lượng vô tư thả vào không khí, bao nhiêu đô thị được mọc lên thay thế thay thế khuôn viên xanh, bao nhiêu nhà máy công nghiệp đang hoạt động làm tổn thương môi trường như Formosa....
Phát triển kinh tế là rất quan trọng để đảm bảo mức sống của người dân. Tuy nhiên, phát triển thế nào thì chúng ta hoàn toàn có quyền được lựa chọn. Cần đặt yêu cầu bảo vệ môi trường song hành và ngang hàng với phát triển kinh tế. Hãy nghiêm túc nhìn vào thế mạnh của đất nước để phát triển. Chính chúng ta đã làm xấu đi hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp để rồi giờ đây mơ ước một màu xanh của thiên nhiên trong lành, phố phường sạch đẹp không bụi bẩn, mơ lắm người dân được thưởng thức đặc sản của quê hương mà không lo bị “ung thư”, được tự hào dùng hàng Việt Nam. Việt Nam trở thành điểm đến nổi tiếng của du khách thế giới, thu hút thế giới với thế mạnh thực sự của mình.
Tín hiệu đáng mừng là Đảng, Nhà nước, Chính phủ gần đây đã đặt môi trường về đúng vị trí của nó ngang tầm với phát triển kinh tế, văn hóa mà điển hình là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Là một cán bộ hưu trí, tôi cũng quan tâm đến sự cố môi trường miền Trung và đánh giá cao những nỗ lực, chia sẻ những khó khăn của Chính phủ trong giải quyết sự cố một cách văn minh, đúng luật pháp.
Thiết nghĩ, hơn bao giờ hết, chúng ta hãy đặt vấn đề bảo vệ môi trường vào đúng vị trí quan trọng trong sự phát triển của cả nước, trong hành động của mỗi cá nhân, cộng đồng, tổ chức và toàn xã hội. Cần đưa phong trào “Bảo vệ môi trường” thành chương trình hành động quốc gia. Coi “ Bảo vệ Môi Trường” là cuộc cách mạng mang tính lịch sử. Khó đến mấy chúng ta cũng quyết tâm và nghiêm túc thực hiện. Nếu chúng ta kiên quyết, chúng ta sẽ đạt được.
Hãy để “bảo vệ môi trường” là một trong 3 trụ cột ngang tầm với phát triển kinh tế, văn hóa trong phát triển đất nước. Hãy cố gắng để từ khóa “bảo vệ môi trường” là cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng internet, được nhắc thường xuyên trên ti vi vào giờ vàng. Ai làm hành động dù nhỏ, ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng là phạm pháp, hãy để “bảo vệ môi trường” thành biểu tượng của nước Việt Nam.
Hơn bao giờ hết, môi trường của chúng ta đang cần bảo vệ, nếu chúng ta có đủ nhiệt huyết, hãy cùng nhau tạo nên trang sử mới cho môi trường, hãy để thế giới nhắc đến Việt Nam với biểu tượng "bảo vệ môi trường” trở thành nét văn hóa đặc sắc của chúng ta. Làm được điều đó, chúng ta gần như giải quyết được tất cả những vấn đề nhức nhối hiện nay.
Đó là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường; đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành thói quen trong mọi hoạt động của từng cá nhân và toàn xã hội. Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong đó xử lý nghiêm minh các hành vi hủy hoại môi trường; nâng cao vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như: Hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân… trong giám sát công tác bảo vệ môi trường.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; các hành vi làm tổn hại đến môi trường cần được lên án, hành vi bảo vệ môi trường cần được biểu dương kịp thời; ưu tiên phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của đất nước, các ngành nghề thân thiện môi trường; phát triển các loại năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường; ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu do quá trình hội nhập; huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào bảo vệ môi trường.
Trong quy hoạch xây dựng khu đô thị cần bố trí không gian xanh, giải quyết triệt để ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông kém chất lượng, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Phát động các chương trình trọng điểm, nâng cao ý thức “bảo vệ môi trường” như: Chiến dịch không nhìn thấy rác, chiến dịch không dùng túi ni lông, chiến dịch rửa sạch Thủ đô, chiến dịch tìm và loại các nhân tố gây ô nhiễm môi trường, chiến dịch loại bụi bẩn khỏi Thủ đô, chiến dịch thêm công viên xanh...