Trưởng đại diện JICA Shimizu Akira: Tin tưởng vào khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam
(ĐCSVN) – “Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng so với nhiều nước khác thì kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng tốt. Tôi nghĩ vẫn có thể phát triển ở mức từ 4 đến 4,8% GDP trong năm nay”. Đây là nhận định của ông Shimizu Akira – Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.
Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Shimizu Akira (Ảnh: Kiều Giang) |
Phóng viên (PV): Ông bắt đầu nhiệm kỳ công tác với tư cách là Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam vào đúng dịp Việt Nam đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch. Điều này có gây khó khăn gì cho công việc của ông không? Ông có thể kể về những trải nghiệm này tại Việt Nam?
Ông Shimizu Akira: Tôi nhận nhiệm vụ mới và tới Hà Nội vào giữa tháng 3 năm 2020. Khi tới nơi tôi tự cách ly tại nhà trong vòng 2 tuần, khi đó chưa có lệnh cách ly bắt buộc nhưng tôi cũng không thể tới văn phòng làm việc. Sau khi tự cách ly 2 tuần tôi bắt đầu tới văn phòng làm việc được vài ngày thì có lệnh giãn cách xã hội của chính phủ Việt Nam vào ngày 31/3. Vậy là không chỉ tôi mà toàn bộ nhân viên văn phòng JICA Việt Nam phải làm việc tại nhà từ ngày 1/4/2020. Tính tổng cộng ra tôi phải làm việc tại nhà hơn 1 tháng và tôi không làm được nhiều việc trong thời gian này. Nhưng tình hình tại Nhật Bản cũng tương tự. Nhật Bản cũng ban bố tình trạng khẩn cấp do vậy hầu hết các nhân viên của JICA tại trụ sở chính cũng phải làm việc tại nhà.
Tôi chỉ gặp khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội là do không có taxi, xe buýt hay phương tiện giao thông công cộng nào. Vì thế khi cần đi mua đồ dùng gì đó, có lúc tôi phải đi bộ hoặc đi xe đạp. Rất may đây là nhiệm kỳ thứ 2 của tôi ở Việt Nam nên cuộc sống cũng khá thuận lợi và quen thuộc với tôi. Đôi lúc tôi sử dụng app mua hàng để mua đồ trong thời gian giãn cách xã hội. Ở Nhật thì đi lại dễ dàng hơn vì các chuyến tàu vẫn chạy trong thời gian lệnh khẩn cấp được ban bố.
Tôi rất vui mừng vì mình đã tới Việt Nam an toàn và toàn bộ nhân viên của văn phòng tôi không ai bị nhiễm COVID-19, đều mạnh khỏe và hiện đang làm việc trong trạng thái bình thường.
PV: Ông có đánh giá thế nào về công tác phòng chống dịch của Việt Nam?
Ông Shimizu Akira: Có lẽ không gọi là đánh giá của tôi mà là rất nhiều người đều nhận thấy công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã rất hiệu quả. Rất nhiều báo chí nước ngoài trong đó có báo chí Nhật Bản cũng có chung nhận định này.
Một minh chứng rất rõ là ngày hôm nay chúng ta có thể ngồi đây cùng trò chuyện thay vì một cuộc phỏng vấn trực tuyến. Điều này chỉ có thể thực hiện ở rất ít nơi vì ở hầu hết các nước khác vẫn phải tiến hành họp trực tuyến để phòng chống lây nhiễm.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hết sức thận trọng vì có thể còn có các làn sóng dịch thứ 2 hoặc thứ 3 mà một số quốc gia trên thế giới đã và đang đối phó.
Việt Nam đã hành động rất kịp thời từ khi vừa phát hiện ra dịch COVID-19, trong đó động thái đóng cửa biên giới chứng minh tính hiệu quả. Đó là thành công của Việt Nam.
PV: Trong thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực y tế. Ông có thể nói rõ hơn về các chương trình này và đưa ra một vài đánh giá của cá nhân ông?
Ông Shimizu Akira: Nói về hợp tác phát triển chính thức (ODA) của hai chính phủ Nhật Bản và Việt Nam thì y tế là một trong những lĩnh vực chủ đạo ngay từ khi ODA Nhật Bản nối lại năm 1993.
Chúng tôi bắt đầu những hợp tác hỗ trợ đầu tiên với 3 bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương là bệnh viện Bạch Mai tại miền Bắc, bệnh viện Trung ương Huế tại miền Trung và bệnh viện Chợ Rẫy tại miền Nam. Hợp tác hỗ trợ ở đây không chỉ là xây dựng các tòa nhà, cung cấp trang thiết bị y tế hiện đại mà một phần hỗ trợ vô cùng quan trọng là nâng cao năng lực cho cán bộ y tế. Vì 3 bệnh viện này không chỉ là cơ sở khám chữa bệnh. Một chức năng vô cùng quan trọng của 3 bệnh viện tuyến đầu là đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế của bệnh viện tuyến dưới.
Tôi vẫn nhớ năm 2003 khi dịch SARS xuất hiện, chúng tôi đã cử các chuyên gia y tế của Nhật Bản tới bệnh viện Bạch Mai để cùng hỗ trợ cán bộ y tế của bệnh viện.
JICA hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất vaccine sởi và cử đội ngũ chuyên gia sang chuyển giao kỹ thuật (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN) |
Sau khi dịch SARS được khống chế, JICA ngay lập tức đề xuất hợp tác hỗ trợ cho Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tới nay, chúng tôi đã có lịch sử hợp tác với viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Khi đó JICA đã gửi tặng phòng thí nghiệm cấp độ 3 là phòng thí nghiệm hiện đại nhất của Việt Nam tại thời điểm đó cùng với việc cử các chuyên gia y tế sang chuyển giao kỹ thuật. Khi dịch SARS xảy ra, tôi nhớ các mẫu bệnh phẩm không thể tự kiểm tra tại Việt Nam mà phải gửi sang Philipines để kiểm tra và phải một tuần sau mới có kết quả. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác phòng chống dịch vì không thể hành động nhanh. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ trang thiết bị tiên tiến nhất mà còn cử các chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản sang hỗ trợ nâng cao năng lực và chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam. Từ hợp tác với viện Vệ sinh dịch tễ, tiếp đó là xây dựng mạng lưới với các viện nghiên cứu khác trên toàn quốc như viện Pasteur tại thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang. Với phòng thí nghiệm cấp độ 3, các chuyên gia y tế Việt Nam có thể tự làm xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nguy hiểm trong nước với kết quả nhanh hơn rất nhiều. Việc này đóng góp rất lớn trong công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra cũng phải kể đến dự án hợp tác xây dựng Nhà máy sản xuất vaccine POLYVAC. JICA đã hỗ trợ Việt Nam xây nhà máy sản xuất vaccine sởi và cử đội ngũ chuyên gia sang chuyển giao kỹ thuật. Tôi nhớ năm 2013 tại Việt Nam, dịch rubella bùng phát nghiêm trọng. Khi đó tôi đang làm Phó trưởng đại diện của văn phòng JICA Việt Nam phụ trách lĩnh vực y tế. Tôi là người đã trực tiếp đề xuất và phối hợp với Việt Nam lên kế hoạch dự án sản xuất vaccine 2 loại kết hợp trong một mũi sởi và rubella. Sau đó dự án đã được triển khai và khi quay lại Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ 2 này tôi rất vui khi biết tin vaccine 2 mũi kết hợp sởi và rubella đã được Việt Nam sản xuất thành công và đưa vào tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Đây là một trong những ví dụ điển hình hợp tác và chuyển giao công nghệ thành công trong lĩnh vực y tế.
PV: Lần này trở lại Việt Nam với tư cách Trưởng đại diện JICA Việt Nam. Vậy những ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác của ông lần này là gì?
Ông Shimizu Akira: Câu hỏi này thật khó vì tôi nghĩ là tôi phải làm rất nhiều việc. Tuy nhiên ngay sau khi kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19, chính phủ Việt Nam đang ưu tiên phát triển kinh tế.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng so với nhiều nước khác thì kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng tốt. Tôi nghĩ vẫn có thể phát triển ở mức từ 4 đến 4,8% GDP trong năm nay. Do vậy để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, tôi nghĩ cơ sở hạ tầng vẫn là một trong các ưu tiên của JICA.
Mặt khác, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn cũng cần thu hẹp do vậy chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để cùng thu hẹp khoảng cách này, theo đúng định hướng phát triển của chính phủ Việt Nam.
PV: Xin ông chia sẻ về lợi ích của các dự án viện trợ không hoàn lại của ODA Nhật Bản?
Ông Shimizu Akira: Các dự án không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản trong hỗ trợ phát triển chính thức bao gồm hai hình thức.
Hình thức thứ nhất là dự án viện trợ không hoàn lại đơn thuần là cơ sở hạ tầng, ví dụ như xây dựng một trường học hay bệnh viện và tặng cho Việt Nam. Số lượng dự án thuộc hình thức này không nhiều.
Hình thức thứ hai là dự án viện trợ không hoàn lại bao gồm chuyển giao kỹ thuật. Tức là để chuyển giao kỹ thuật thì cần có máy móc, nhân lực. Nhật Bản sẽ viện trợ máy móc và cử chuyên gia thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Số ngân sách cho các dự án này tính đến nay khoảng 150 tỷ Yên.
Nếu tính cả hai hình thức hợp tác trên thì Việt Nam là nước đứng thứ 5 về nhận viên trợ không hoàn lại của ODA Nhật Bản trên toàn thế giới. Hầu hết những quốc gia nhận được khoản viện trợ lớn hơn đều là những quốc gia có khoảng thời gian hợp tác ODA lâu hơn ví dụ Indonesia và Philippines.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Bài phỏng vấn thực hiện ngày 16/7 tại Hà Nội)