Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trước kêu thiếu, nay bảo thừa giáo viên!

Thứ Tư, 25/05/2016 15:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – 3 năm nước, ngành Giáo dục “ kêu” cả nước thiếu 27 nghìn giáo viên. 3 năm sau, xã hội lại "giật mình" khi các chuyên gia giáo dục tiết lộ, dự báo đến năm 2020, cả nước thừa 70.100 sinh viên sư phạm.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: tuoitre.vn)

Vào tháng 8 năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố con số đáng “ giật mình”, cả nước thiếu  27 nghìn giáo viên (?).

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc thiếu giáo viên bắt nguồn từ việc đào tạo ở nhiều nơi chưa kịp so với yêu cầu; hoặc có nơi Ủy ban nhân dân tỉnh chưa giao biên chế để tuyển, nên vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khi bước vào năm học mới; hoặc có sự chuyển đổi ngành nghề sang làm ở ngành khác.

Cứ theo giải thích của Bộ, thì việc thiếu giáo viên chủ yếu là do lỗi của cơ sở đào tạo và các địa phương. Thiếu giáo viên, nhưng nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có cơ hội đứng lớp, phải đi làm trái nghề... là sự thật khó lý giải (?!).

3 năm trước, ngành Giáo dục kêu thiếu giáo viên, còn hiện nay thì xã hội lại “ giật mình” vì số giáo viên dư  thừa gần gấp 3 lần số thiếu. Theo dự báo đến năm 2020, cả nước thừa 70.100 sinh viên sư phạm ở ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thừa giáo viên là do việc phát triển quá nóng các cơ sở đào tạo giáo viên. Nhận định thế không hề cảm tính!

Sự thật là trừ tỉnh Đắk Nông, thì trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên. Để có nhiều thành tích và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các cơ sở đào tạo phải làm tốt công tác tuyển sinh, mà tuyển sinh càng nhiều thì "càng tốt" cho giáo viên và người học.

Thừa giáo viên là do dự báo nguồn nhân lực chưa chính xác. Chúng ta không tuyệt đối hóa việc dự báo, nhưng không chập nhận sự sai số quá lớn - dư thừa 71.000 giáo viên. Sẽ không là duy ý chí, nếu khi làm dự báo, chính sách, các nhà quản lý, hoạch định chính sách hãy điều tra xã hội học một cách cẩn thận, hãy tham vấn người dân... Các chính sách, các công trình khoa học, nếu chỉ từ phòng lạnh mà ra thì rất khó đi vào cuộc sống.

Còn nhiều nguyên nhân khác làm nên con số dư thừa 71.000, nhưng suy cho cùng, vẫn là lỗi chủ quan trong hoạch định chính sách.

Thừa 70.100 giáo viên, tức là xã hội sẽ có vô số người thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo. Và mối quan tâm lớn nhất hiện nay là giải quyết khủng hoảng thừa giáo viên như thế nào, nhất là khi đang thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước?

Xây dựng thêm trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, để giải quyết khủng hoảng thừa giáo viên là một hướng đi, nhưng phải dựa trên quy mô dân số, chứ không thể làm theo phong trào.

Rà soát lại đội ngũ giáo viên đang giảng dạy, có chính sách thay thế những giáo viên không đạt chuẩn, là việc cần làm vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa giải quyết được một phần nguồn nhân lực dư thừa.

Căn cứ vào nhu cầu của xã hội, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên để tránh việc càng tuyển sinh càng dư thừa!

Khác với nhiều ngành, nghề khác, giáo dục liên quan đến từng người, từng gia đình và cả xã hội.

Với ý nghĩa đó, sự thịnh – suy của đất nước cũng khởi nguồn từ nền giáo dục./.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN