Trung thu 2016: Khởi sắc đồ chơi truyền thống
(ĐCSVN) - Trước thềm Tết Trung thu năm nay, dạo qua một vòng khu phố Hàng Mã (Hà Nội), cảm nhận chung của mọi người đó chính là sự phong phú của các chủng loại đồ chơi dành cho thiếu nhi, nhất là các sản phẩm đồ chơi mang tính truyền thống gắn với những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam…
Các loại đồ chơi truyền thống đã thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ và các em thiếu nhi. (Ảnh QĐ)
Phố Hàng Mã từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến của nhiều người dân Hà Nội cũng như du khách thập phương mỗi dịp Tết Trung thu. Người ta đến với phố Hàng Mã vừa để được ngắm nhìn, cảm nhận không khí chuẩn bị cho Tết Trung Thu, vừa để mua sắm đồ chơi cho con trẻ. Năm nay, chủng loại đồ chơi Trung thu ở phố Hàng Mã phong phú hơn hẳn mọi năm. Ngoài những đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ làm bằng giấy bồi, tò he, trống con… còn có khá nhiều loại đồ chơi khác như mặt nạ hình các nhân vật hoạt hình làm bằng nhựa, các loại “mũ lược” đội đầu cách điệu dành cho bé gái, đồ chơi thông minh…Đặc biệt, theo quan sát của phóng viên, nhóm các sản phẩm đồ chơi truyền thống của Việt Nam được bày bán rất nhiều, với mẫu mã đẹp mắt và chủng loại đa dạng, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và đã có phần lấn át hẳn đồ chơi có xuất xứ từ nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Hương, chủ sạp đồ chơi ở phố Hàng Mã vừa vui vẻ tư vấn cho khách hàng vừa cho biết: “Gia đình tôi đã có hơn 20 năm bán đồ chơi Trung thu. Nếu một vài năm trước, khách hàng chủ yếu tập trung vào các loại đồ chơi có xuất xứ nước ngoài thì năm nay thị hiếu người mua đã thay đổi hẳn. So với mọi năm thì năm nay nhiều mặt hàng đồ chơi truyền thống có phần đắt hàng hơn, nhất là các loại đèn kéo quân, đèn ông sao, đầu sư tử…”.
Ghi nhận thực tế tại các quầy hàng đồ chơi dọc theo phố Hàng Mã, nhờ đa dạng về mẫu mã và giá cả phải chăng nên đồ chơi truyền thống đã được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Chỉ cần bỏ ra khoảng 150 nghìn đồng trở lên là người mua đã sở hữu được một chiếc đầu sư tử truyền thống với thiết kế đẹp mắt, màu sắc sặc sỡ. Hoặc những chiếc đèn lồng bằng giấy được sản xuất trong nước khá đẹp mắt với nhiều hình ảnh hoạt hình ngộ nghĩnh kèm theo đèn và thiết bị phát nhạc, người tiêu dùng cũng chỉ phải trả số tiền 40 - 50 nghìn đồng… Chị Phạm Hà Thanh (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết: Đã thành thói quen, năm nào trước dịp Tết Trung thu chị cũng cho các cháu đi tham quan phố Hàng Mã. Năm nay, đồ chơi phong phú hơn hẳn. Trong đó, có nhiều loại đồ chơi truyền thống mà trước đây các con chị chưa được nhìn tận mắt bao giờ thì nay các sạp hàng cũng có bán như đèn kéo quân, đèn ông sư...
Có thể thấy, trước những thông tin về sự độc hại và nguy cơ nhiễm bệnh từ các mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc nên Tết Trung thu năm nay, các sản phẩm đồ chơi này tuy vẫn được bày bán ở phố Hàng Mã song lượng người mua cũng giảm hẳn. Bạn Hoàng Thị Vui, sinh viên năm thứ 2, Đại học Dân lập Phương Đông cho biết: Đồ chơi Trung Quốc nhìn khá bắt mắt, giá rẻ nhưng chúng em cũng chỉ xem qua thôi chứ ít bạn mua lắm vì không yên tâm về chất lượng.
Còn theo nghệ nhân nặn tò he Nguyễn Văn Thành đến từ làng nghề truyền thống nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội thì nhiều năm tham gia nặn tò he ở phố Hàng Mã vào mỗi dịp tết Trung thu về nhưng năm nay là năm đầu tiên ông biết đến cảm giác “cháy hàng”. Niềm vui không chỉ bởi bán được nhiều tò he mà quan trọng hơn đó chính là sự vươn mình của các sản phẩm đồ chơi truyền thống.
Tết Trung thu năm 2016 đang đến rất gần, và việc “lên ngôi” của sản phẩm đồ chơi mang tính truyền thống gắn với những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Hy vọng, trên cơ sở những phương pháp sản xuất cổ truyền và sự sáng tạo của các nghệ nhân, người sản xuất thì những đồ chơi truyền thống sẽ luôn có vị trí xứng đáng trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam mỗi dịp Tết Trung thu về. Và, đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện đồ chơi Trung thu hay chiếc mặt nạ giấy bồi mà quan trọng hơn, chính là việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc./.