Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh giải đáp về trường hợp bé gái 2 tuổi tử vong do tiêm vắc-xin
Về vụ việc bé Nguyễn Thảo Nhi (2 tháng tuổi), tại Bắc Ninh, tử vong sau khi tiêm vắc-xin theo chương trình Tiêm chủng mở rộng, ngày 20/12 vừa qua. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã khẩn cấp chỉ đạo điều tra, xác minh, đánh giá quy trình quản lý và sử dụng vắc-xin tại đây.
Bà Lại Thị Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Bắc Ninh
Trước đó, 8h26 ngày 20/12/2015, gia đình bé Nhi cho cháu tới trạm y tế phường Võ Cường – TP. Bắc Ninh để thực hiện tiêm chủng phòng bệnh theo chương trình Tiêm chủng mở rộng. Sau khi tiêm 1 mũi Quinvaxem và uống vắc-xin OPV lần 1, bé được theo dõi tại Trạm Y tế phường theo quy định. Tại đây không có biểu hiện gì xấu, gia đình đã cho bé về nhà để tiếp tục theo dõi. Đến khoảng 11h30 phút cùng ngày, bé có biểu hiện quấy khóc, người tím tái và được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh vào hồi 12 giờ 25. Tuy được điều trị tích cực, nhưng tình trạng của bé Nhi có chiều hướng diễn biến xấu hơn. Đến 16h cùng ngày, bé được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương, tại đây tình trạng của bé Nhi tiếp tục xấu đi. Bé tử vong hồi 21h ngày 20/12 tại bệnh viện.
Làm việc với bà Lại Thị Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Bắc Ninh, được biết, trong ngày 20/12/2015 Trung tâm Y tế thành phố xuất ra 1.205 lọ vắc-xin Quinvaxem cho 19 trạm y tế xã, phường trong địa bàn TP. Trong ngày đã sử dụng hết 970 lọ, tất cả các trường hợp được tiêm đều không có phản ứng xấu. Số lượng vắc-xin này đều cùng trong một lô do Chương trình tiêm chủng mở rộng cấp, được bảo quản, vận chuyển và bàn giao cho các Trạm đúng với quy trình, trường hợp đáng tiếc duy nhất là trường hợp của bé Nhi, tại Trạm Y tế phường Võ Cường.
Bà Nguyệt cho biết, sau sự việc phản ứng của bé Nhi, hồi 17h cùng ngày Trung tâm đã cho lập biên bản, niêm phong toàn bộ vỏ thuốc đã tiêm, số thuốc còn lại tại trạm y tế phường Võ Cường. Sau khi kiểm tra được biết, toàn bộ quy trình thực hiện tiêm phòng tại Trạm Y tế phường Võ Cường đều được các bác sỹ chấp hành đầy đủ, tiến hành kẹp nhiệt độ trước khi tiêm cho bé Nhi là 36,7 độ. Thực hiện nghe tim, phổi của cháu bé bình thường, gia đình cháu bé cũng cho biết từ khi sinh ra bé Nhi sức khỏe ổn định, không ốm đau.
Sáng ngày 21/12, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo điều tra, thành lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh và Trạm y tế phường Võ Cường. Để đánh giá toàn bộ quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, quy trình tiêm chủng, phân tích nguyên nhân tử vong của trẻ.
Sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá, hội đồng đã thống nhất kết luận việc vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản vắc-xin được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định; quy trình thực hành tiêm chủng tại trạm y tế thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngày 22/12, ông Nguyễn Đình Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, trường hợp bé gái 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm chủng tại Bắc Ninh, hội đồng chuyên môn hướng tới nguyên nhân tử vong là sốc phản vệ do phản ứng quá mẫn của cá thể sau khi sử dụng vắc-xin. Ông cho biết, trong cùng ngày 20/12, có tổng cộng 48 trường hợp cùng tiêm lô vắc-xin tại Trung tâm y tế này, đến nay chưa phát hiện bất thường khác.
Sự việc đau lòng kể trên là một trong một số trường hợp đáng tiếc, diễn ra gần đây trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại một số địa phương khác. Tuy vậy, xuất hiện một số tâm lý lo sợ, không tin tưởng vào chất lượng của loại vắc-xin đang được sử dụng hiện nay, đối với bộ phận một số người dân có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng. Nhiều gia đình lo sợ không mang con em đi tiêm, hoặc chờ đợi để mua các loại vắc-xin dịch vụ khác. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch tiêm chủng cho trẻ đang trong độ tuổi, thời gian tiêm chủng, cũng như gây nguy hiểm cho trẻ nếu dịch bệnh bùng phát.
Tại tỉnh Bắc Ninh trong đợt tiêm chủng tháng 11, 12 vừa qua bao gồm 126 trạm y tế trong toàn Tỉnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xuất ra tổng cộng 17.000 liều vắc-xin, cùng một lô thuốc cho đợt tiêm chủng này. Được biết, cho tới thời điểm hiện tại hầu hết các trường hợp tiêm chủng đều an toàn, duy nhất xảy ra trường hợp đáng tiếc tại phường Võ Cường. Việc tiếp nhận, bảo quản số lượng vắc-xin này đều được thực hiện tại các Trung tâm Y tế cấp tỉnh, thành phố theo đúng yêu cầu, quy định, đảm bảo về nhiệt độ và môi trường bảo quản. Điều này loại trừ nguyên nhân tử vong do thuốc.
Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định tỉ lệ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem “tương đương” với các loại vắc-xin khác. Ông cho biết, tiêm chủng vắc-xin là đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể con người nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Từ tháng 6/2010 đến nay, đã có trên 24 triệu mũi vắc-xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ em Việt Nam. So với vắc-xin có thành phần ho gà vô bào (dịch vụ), các phản ứng sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, thậm chí tím tái, cao hơn nhưng phản ứng nặng như sốc phản vệ, tử vong ở vắc-xin Quinvaxem là tương đương.
Hiện nay, các loại vắc-xin dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều được Bộ Y tế kiểm tra và bảo đảm an toàn. Kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm của vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian qua cho thấy không liên quan đến chất lượng thuốc, chủ yếu là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm tiêm chủng. Mong rằng những gia đình đang có con em trong độ tuổi tiêm chủng có sự tìm hiểu, nắm rõ những nguyên tắc, chuẩn bị cho con em mình điều kiện sức khỏe tốt nhất trước khi thực hiện tiêm chủng. Tránh để các cháu bỏ qua giai đoạn tiêm phòng cần thiết, dẫn đến những hậu quả không tốt về lâu dài cho các cháu./.
Trần Chiến – Vũ Hoàng