Trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt"
Thứ Bảy, 27/04/2024 09:40 (GMT+0)
(ĐCSVN) - Hơn 150 tài liệu, hiện vật giàu ý nghĩa giới thiệu với công chúng, lan tỏa tầm vóc, giá trị lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), đặc biệt là sức mạnh lớn lao của tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, vai trò lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta đã làm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
|
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954-21/7/2024), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề: “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt” |
|
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai mạc Trưng bày |
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết “Lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX đánh dấu những trang vàng chói lọi, những kỳ tích mà nhân dân ta đã làm nên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những kỳ tích đó chính là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 - một biểu tượng của khát vọng hòa bình và ý chí độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Từ đây, Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần quật cường và bất khuất, trí thông minh và sáng tạo; trở thành niềm tin, là sự cổ vũ, động viên các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do”.
Với quyết tâm giương cao lá cờ “quyết chiến, quyết thắng”, các chiến sĩ Điện Biên Phủ đã vượt mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu kiên cường dũng cảm và mưu trí sáng tạo, cùng toàn quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam; đồng thời là một sự kiện quan trọng báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
|
Các đại biểu thăm quan các tư liệu, hiện vật tại Triển lãm. |
|
Trưng bày gồm 2 phần: “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” và “Quyết chiến, quyết thắng”, giới thiệu với công chúng gần 150 tài liệu, hiện vật giàu ý nghĩa, phản ánh tầm vóc, giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ. |
|
Trong mỗi phần nội dung trưng bày công chúng có dịp hiểu hơn về âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; Chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; Vị trí địa lý Điện Biên Phủ qua những hình ảnh, tư liệu nhuốm mầu thời gian. |
|
Tháng 9/1953, Bộ Chính Trị họp với sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953 - 1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953) |
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy tiền phương bàn phương án tác chiến tại hang Thẩm Púa, bản Pó, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), ngày 14/1/1954 |
|
Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, nơi xây dựng căn cứ lục quân và không quân phục vụ âm mưu xâm lược của chúng ở Đông Nam Á. Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp đã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ảnh: Sân bay của quân Pháp xây tại Điện Biên Phủ năm 1953 |
|
Đại tá Đờ-Cát-xtơ-ri (đi giữa) đưa tướng Cô-nhi (bên phải) thị sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ, ngày 18/2/1954 |
|
Tướng Mỹ Ô-đa-ni-en thị sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ, ngày 3/2/1954 |
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sau khi công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta trong cuộc Chiến tranh Đông Dương (1945 - 1954) kéo dài trong 56 ngày đêm 7/5/1954 - 7/5/2024). Kỳ tích của dân tộc Việt Nam làm nên đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Thắng lợi đó được phần trưng bày “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt” tái hiện qua nhiều bức ảnh, tư liệu, giúp khách thăm quan thấy được tinh thần yêu nước, vượt mọi khó khăn đầy quả cảm của quân và dân ta trong 56 ngày đêm lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trong phần trưng bày chủ đề “Quyết chiến, quyết thắng” - giới thiệu với công chúng các tài liệu, hiện vật thể hiện tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của cả nước trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
|
Một số bức ảnh triển lãm tái hiện không khí cách mạng hào hùng năm xưa - Dân công phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ nghe tin tức mặt trận trong giờ giải lao trên đường vận chuyển lương thực vào trận địa năm 1954 |
|
Các đơn vị xung kích tấn công trên đồi A1 mặt trận Điện Biên Phủ, tháng 4/1954 |
|
Đơn vị xung kích do Anh hùng Quân đội Nguyễn Quốc Trị chỉ huy, tấn công sân bay Mường Thanh năm 1954 |
|
Các chiến sỹ xung kích đánh địch trên đồi Him Lam, tháng 3/1954
|
|
Các chiến sỹ quân y của ta chăm sóc thương binh tại chiến trường Điện Biên Phủ, năm 1954 |
|
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào Khu trung tâm Sở chỉ huy của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954 |
|
Tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng ngày 7/5/1954 |
|
Nhân dân Pháp biểu tình phản đối thực dân Pháp kéo dài chiến tranh tại Việt Nam |
|
Việt Kiều tại Pháp biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương |
|
Ngày 21/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. |
|
Cùng các nội dung giới thiệu hình ảnh, tư liệu lịch sử, Trưng bày giới thiệu các tranh cổ động dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ; những hình ảnh về sự tri ân của đồng bào cả nước; sự đổi thay của Điện Biên hôm nay. Trưng bày mở cửa từ ngày 25/4 đến tháng 6/2024. |
N Dương