Trừ điểm bằng lái xe để tăng tính răn đe, hạn chế vi phạm
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, trừ điểm bằng lái là quy định văn minh, hiện đại, nâng cao được ý thức của tài xế, nhiều người không dám vi phạm vì lo bị trừ điểm dẫn đến phải học và sát hạch lại rất tốn kém.
Vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được trình tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe nhận được sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, theo Điều 57 dự thảo Luật, điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, gồm 12 điểm.
Người lái xe có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nếu kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
Ảnh minh họa: KT |
Đề xuất của Chính phủ nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Bởi, hiện nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế. Một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi. Không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sát hạch và được cấp giấy phép lái xe nhưng không đủ tự tin để lái ô tô ra đường, kỹ năng lái xe kém, không nắm được các quy định của pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhất là các quy tắc tham gia giao thông…
Mỗi năm, cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 trường hợp giấy phép lái xe. Khi bị tước giấy phép lái xe, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân. Việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công. Nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.
Cần quy định rõ mức độ trừ điểm với các lỗi vi phạm
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển.
Ủng hộ đề xuất này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng quy định này nếu được thông qua sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Thêm vào đó, doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc.
Theo ông Quyền, để triển khai được việc này phải dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu theo dõi đầy đủ tài xế, người vi phạm. “Làm sao phải công khai, minh bạch để người tham gia giao thông thấy mình đang ở đâu để điều chỉnh kịp thời. Song song đó, việc xử lý vi phạm cũng phải công khai, minh bạch. Mọi hành vi vi phạm được giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh thì lúc đó việc tính điểm giấy phép lái xe mới phát huy hiệu quả”, ông nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, đây là giải pháp giáo dục hữu hiệu đối với các tài xế, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ, thu giữ bằng lái trước đây.
“Ở một số nước, mỗi giấy phép lái xe sẽ được quy định tương ứng với số điểm cụ thể, ví dụ 16 - 18 điểm. Mỗi điểm bị trừ tương ứng với các lỗi được quy định (vượt đèn đỏ, đi lấn làn, chạy quá tốc độ…). Sau một năm, nếu tài xế không tái phạm thì số điểm sẽ được quay về như cũ. Nếu tiếp tục tái phạm với tần suất, mức độ nhiều hơn, nguy hiểm hơn thì có thể bị trừ hết điểm, lúc đó sẽ bị thu bằng, buộc lái xe phải thi lại”, ông Tạo kiến nghị.
Ông cũng lưu ý, việc trừ điểm bằng lái cần phải được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung, các địa phương đều có thể tra cứu giúp khắc phục trường hợp người vi phạm đối phó bằng cách báo mất bằng, xin cấp lại để xóa bỏ vi phạm trước.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng cũng cho rằng, đây là một hình thức tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Theo đó, người tham gia giao thông phải có ý thức, nếu không sẽ bị trừ hết điểm và giấy phép lái xe không còn hiệu lực, phải học và thi lại giấy phép lái xe. Nếu còn điểm sau một năm thì được phục hồi số điểm ban đầu là hợp lý. Tuy nhiên cần quy định rõ, hoặc thí điểm về mức điểm bị trừ đối với mỗi lỗi vi phạm như đè vạch, vượt đèn đỏ, trái làn.
“Phải có từng mức độ, lỗi nhỏ thì bị trừ điểm ít, lỗi lớn thì trừ điểm cao hơn. Trong một năm cộng các lỗi bị trừ lại mà quá 12 điểm thì lúc đó giấy phép lái xe không có hiệu lực và buộc phải đi học lại, sau đó thi lại giấp phép lái xe. Việc quy định rõ từng số điểm bị trừ trong mỗi lỗi vi phạm còn thể hiện sự công bằng đối với mỗi người trong tham gia giao thông.” - ông Vinh nêu quan điểm./.