Trồng rừng: Tạo sinh kế cho nông dân nghèo tại Việt Nam
Những dự án phục hồi, trồng rừng đã góp phần giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường, xóa đói giảm nghèo, đồng thời tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người nông dân.
1. Lan tỏa thông điệp phủ xanh Việt Nam đến cộng đồng
Trồng rừng cần đi đôi với bảo vệ rừng tự nhiên, tỉ lệ che phủ rừng tăng là một trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường, chỉ tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, vì rừng còn là nguồn sinh kế, nguồn thu nhập của hàng triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số nên trồng cây gây rừng có thể nói là “đòn bẩy” quan trọng để tăng thu nhập cho người trồng và chăm sóc rừng.
Cần huy động, thu hút người dân vào trồng rừng |
Trong khi đó, cùng với việc đất rừng bị thoái hóa, đa dạng sinh học bị mất đi thì nạn chặt phá rừng trái phép đã thu hẹp diện tích và khiến cho gần 10 triệu ha đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc. Chính những nguyên nhân trên đã và đang tác động trực tiếp đến kế sinh nhai cũng như thu nhập của hàng triệu người dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Nếu như trước đây, các hộ khoanh nuôi bảo vệ rừng chỉ nhận được 50.000 đồng/ha/năm thì hiện nay là 250.000 đồng/ha/năm và theo lộ trình sắp tới có thể nâng lên thành 1 triệu đồng/ha/năm mới bảo đảm chất lượng độ che phủ rừng từng bước được nâng cao.
2. Sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp
Hàng loạt các dự án đã và đang triển khai trên phạm vi toàn quốc và đem lại những kết quả cao không chỉ cho việc phát triển diện tích rừng của Việt Nam trong thời gian tới mà đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng và bảo vệ rừng.
Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình phủ xanh rừng |
Hưởng ứng Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, tỉnh Lâm đồng đã triển khai trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh, hướng tới tạo sinh kế cho người nông dân.
Theo đó, chương trình trồng 50 triệu cây xanh của tỉnh theo hướng khôi phục và phát triển môi trường xanh nhưng vẫn phải hài hòa lợi ích kinh tế của đối tượng tham gia. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch và lồng ghép việc hỗ trợ sinh kế trên một số loại đất trồng như trồng 11.319.885 cây ăn quả, cây đa mục đích trong vườn cà phê, bờ vùng, bờ thửa; trồng xen khôi phục độ che phủ trên đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định (trong tổng diện tích 52.000ha toàn tỉnh) là 2.013.800 cây.
Hay tại tỉnh Kon Tum, thời gian qua đã đẩy mạnh phát triển rừng bền vững và trồng dược liệu dưới tán rừng thu hút người dân tham gia phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế từ rừng. Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2020-2025 là bảo vệ trên 609.468 ha rừng hiện có, trồng mới thêm 10.000 ha rừng, nâng cao độ che phủ rừng lên 63,75%.
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân chăm sóc cây |
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã thu hút một lực lượng lớn lao động địa phương tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, góp phần đáng kể tạo công ăn việc làm cho người dân sống gần rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế từ rừng cho người dân.
Không chỉ các địa phương mà các doanh nghiệp cũng đã nhận thức rõ vai trò to lớn của trồng cây trong quá trình phát triển bền vững và tạo công việc cho người nông dân. Tập đoàn Novaland là một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ bằng việc tham gia đồng hành củng 4 tỉnh để triển khai trồng cây gây rừng.
Người dân tham gia trồng rừng nâng cao thu nhập |
Những năm gần đây, trồng rừng đã trở thành một trong những nghề mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, từ đó góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn và giảm nghèo bền vững. Từ trồng rừng đã có nhiều hộ gia đình thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ khai thác. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch đất trồng rừng nên vài năm trở lại đây diện tích rừng trồng ngày càng tăng, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng cũng được nâng lên.