Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trọng dân, lắng nghe dân, việc khó thành dễ!

Thứ Ba, 08/03/2016 17:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Việc Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trực tiếp có buổi đối thoại với đông đảo người dân chịu ảnh hưởng của dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn” vào ngày 7/3/2016, được ví như hồi kết có hậu. Từ cuộc đối thoại này cho thấy, khi gần dân, trọng dân, lắng nghe dân, thì mọi việc đều “xuôi chèo mát mái”!

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (bên trái)
 và ngư dân bắt tay sau buổi đối thoại. 
( Ảnh: Xuân Long)

Để thực hiện Dự án "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn" nhằm phục vụ tốt nhất cho phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương chuyển bến thuyền đã ảnh hưởng đến một bộ phận ngư dân của 4 đơn vị là: Xã Quảng Cư và các phường: Trường Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơn.

Chủ trương đã có, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa, của thị xã Sầm Sơn chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để mọi người đồng thuận. Kết cục là trong những ngày qua, ngư dân ở Sầm Sơn đã  tụ tập đông người kéo lên các cơ quan của tỉnh và thị xã Sầm Sơn, đòi giữ một phần bến thuyền để làm nghề cá mưu sinh.

Nhận thức rõ việc ngư dân tập trung đông người kéo lên cơ quan tỉnh không ngoài hai chữ... "mưu sinh" nên sau khi nghe hết những góp ý, phản biện và kiến nghị của người dân tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Trịnh Văn Chiến đã dũng cảm nhận lỗi trước dân với tinh thần cầu thị: “Việc xảy ra như những ngày qua là rất đáng tiếc. Dù bất cứ ở góc độ nào, thì với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của cấp uỷ, chính quyền tỉnh, tôi thấy mình có khuyết điểm và có trách nhiệm với bà con Sầm Sơn và nhất là với bà con ngư dân hôm nay đang ngồi ở đây”.

Nhận lỗi trước dân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Trịnh Văn Chiến còn nhắc lại hình ảnh cao đẹp của người dân ở Sầm Sơn khi bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng: “Tôi nghe có một câu chuyện rất cảm động: Có một hộ gia đình, có người nhà không may bị mất mà còn làm các thủ tục đưa ma nhanh để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Tôi nghĩ đó là việc làm rất cao đẹp, không những cho Sầm Sơn mà còn cho cả tỉnh phát triển nhanh hơn”.

Không đòi hỏi những gì cao siêu ngoài việc được yên ổn làm ăn, nên ngư dân đã đồng thuận theo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy là được làm bình thường như trước đây đã làm!

Sự việc rất “nóng” ở Thanh Hóa, nhưng đã hạ nhiệt,  thành việc rất nhỏ nhờ đối thoại để chính quyền và ngư dân nhìn nhận đúng bản chất sự việc, cũng như “soi” lại những hành động của chính mình.

Việc chính quyền đối thoại với dân trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện đã được luật hóa và nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện. Tuy nhiên, không phải cuộc đối thoại nào cũng thành công, theo nghĩa là cả người dân và chính quyền đều vui vẻ bắt tay chúc mừng vì đã tìm được tiếng nói chung.

Để đối thoại thành công, thì các “công bộc của dân” phải gần dân, trọng dân, lắng nghe dân khi giải quyết bài toán lợi ích giữa dân và Nhà nước. Chỉ khi nào lợi ích của hai bên được “cân đúng” theo pháp luật và đạo lý thì mọi tranh chấp, khiếu kiện sẽ được hóa giải!

 

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN